Thị trường gạo châu Á:
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5/2021 do đồng rupee yếu đi.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 374-379 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 379-383 USD/tấn trong tuần trước, do đồng rupee mất giá xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết: “Đồng rupee giảm giá sẽ cho phép chúng tôi giảm giá và nhu cầu ổn định”.
Tuần trước, Ấn Độ đã tăng giá mua các loại gạo phổ thông vụ mùa mới từ nông dân địa phương. Điều này có thể khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng lúa.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 440-486 USD/tấn, từ mức 455-484 USD/tấn trong tuần trước đó.
Nhiều nhà giao dịch cho rằng nguồn cung được dự báo gia tăng nhờ các trận mưa, đã ảnh hưởng xấu đến giá gạo. Ngoài ra, một số nhà giao dịch nhận định chi phí vận chuyển gia tăng tiếp tục là yếu tố khiến giá gạo ở mức cao.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng nhẹ lên mức 483-487 USD/tấn, từ mức 480-485 USD/tấn của tuần trước. Một thương lái có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các nhà nhập khẩu đang chuyển hướng sang các thị trường khác (Thái Lan và Ấn Độ) để mua gạo 5% tấm để được hưởng giá thấp, tuy nhiên vẫn có một số đang mua gạo thơm Jasmine từ Việt Nam”.
Ngoài ra, một thương lái khác cho hay tình trạng thiếu hụt container vẫn đang diễn ra và gây khó khăn đối với hoạt động vận chuyển ngũ cốc.
[Ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ gạo Việt Nam để xuất khẩu]
Thị trường nông sản Mỹ:
Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ đều tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/6, dẫn đầu là mặt hàng ngô.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 33,75 xu Mỹ (6,34%) lên 5,6625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 tăng 22,75 xu Mỹ (3,54%) lên 6,6575 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 60,25 xu Mỹ (4,81%) lên 13,13 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá nông sản kỳ hạn CBOT tăng cao do Trung Quốc bắt đầu chương trình thu mua nông sản trong mùa vụ mới từ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý rằng trong mùa vụ mới, ngô và đậu tương là những loại ngũ cốc dẫn đầu xu hướng tăng giá.
Theo AgResource, Trung Quốc đã đặt mua 6-8 chuyến hàng đậu tương của Mỹ. Đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc mua đậu tương của Mỹ trong những tuần gần đây, và có khả năng bắt đầu một đợt thu mua kéo dài. AgResource vẫn nhận định rằng Trung Quốc sẽ đặt và nhập khẩu khoảng 40-44 triệu tấn đậu tương của Mỹ trong niên vụ 2021/2022.
Thị trường cà phê thế giới:
Trên thị trường thế giới, giá cà phê phiên 19/6 tăng, theo đó, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2021 tăng 15 USD/tấn ở mức 1.584 USD/tấn, giao tháng 9/2021 tăng 18 USD/tấn ở mức 1.616 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2021 tăng 0,2 xu Mỹ/lb ở mức 149,75 xu Mỹ/lb, giao tháng 9/2021 tăng 0,15 xu Mỹ/lb ở mức 151,75 xu Mỹ/lb (1 lb=0,4535 kg).
Sau phiên điều chỉnh giảm mạnh, giá cà phê đã lấy lại được đà tăng. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ giá đồng USD giảm giúp các sàn hàng hóa và kim loại phục hồi. Phiên vừa qua cũng là ngày các thị trường bước vào thời điểm thông báo giao hàng đầu tiên.
Trước đó, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản USD trước thời hạn do lạm phát quá mức cùng với việc Ủy ban Chính sách tiền tệ (Copom) Brazil quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng real lần thứ ba liên tiếp thêm 0,75% lên mức 4,25%/năm, đã kéo giá cà phê 2 sàn trên giảm sâu.
Hầu hết các thị trường hàng hóa chuyển sang sắc đỏ sau các phiên họp chính sách của Fed trong ngày thứ Tư.
Cùng ngày, tại thị trường Việt Nam, giá cà phê được giao dịch trong khoảng 33.400-34.300 đồng/kg./.