Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo trong nước giảm nhẹ

Không chỉ Việt Nam, trong tuần qua, các “vựa lúa gạo” hàng đầu của thị trường châu Á đều có sự điều chỉnh giảm giá gạo xuất khẩu, trong đó giá gạo Việt Nam giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo trong nước giảm nhẹ ảnh 1Xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, bất chấp những tác động không nhỏ của dịch COVID-19. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Trong tuần qua, giá gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm nhẹ, bởi giá gạo xuất khẩu giảm. Không chỉ Việt Nam, các “vựa lúa gạo” hàng đầu của châu Á đều có sự điều chỉnh giảm giá gạo xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.650 đồng/kg, bình quân là 5.264 đồng/kg, tăng khoảng 64 đồng/kg so với tuần trước. Giá lúa thường tại kho ổn định, cao nhất là 7.550 đồng/kg, trung bình 6.390 đồng/kg.

Với các loại gạo lại có sự giảm nhẹ, gạo 5% tấm cao nhất là 9.450 đồng/kg, bình quân là 9.021 đồng/kg, giảm bình quân 157 đồng/kg so với tuần trước.

Các loại gạo 15% và 25% tấm cũng giảm trung bình 150 đồng/kg tương ứng 9.250 đồng/kg và 9.050 đồng/kg.

[FAO: Giá lương thực thế giới giảm lần đầu tiên trong 12 tháng]

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết giá lúa ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định.

Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa Jamine khô ở mức 6.500 đồng/kg; OM 4218 là 6.500 đồng/kg, IR 50404 ở mức 6.100 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá lúa nhìn chung cũng ổn định, như: Đài thơm 8 là 8.400 đồng/kg; ST24 là 8.150 đồng/kg; RVT là 7.450 đồng/kg, riêng OM 4900 là 8.000 đồng/kg, giảm 200 đồng…

Còn tại Trà Vinh, lúa IR 50404 có giá 7.900 đồng/kg, OM4900 là 7.000 đồng/kg…

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa tươi trên địa bàn cũng ổn định như: IR 50404 là 5.100-5.300 đồng/kg; lúa Nhật là 7.500-7.600 đồng/kg, OM 5451 là 5.500-5.700 đồng/kg, OM18 từ 6.200-6.300 đồng/kg, riêng Đài thơm 8 từ 6.000-6.100 đồng/kg, tăng nhẹ 100 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang vẫn có sự ổn định. Giá gạo Nhật là 17.000 đồng/kg, nếp từ 14.000-15.000 đồng/kg, Jasmine 14.000-15.000 đồng/kg, Hương Lài 17.000 đồng/kg, gạo thường từ 11.000-12.000 đồng/kg.

Hiện nay, nhiều địa phương đã thu hoạch lúa Hè Thu. Ngành nông nghiệp khuyến cáo lúa chín đến đâu tranh thủ thu hoạch đến đó với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế tối thiểu lúa đổ ngã trong mùa mưa làm giảm năng suất và chất lượng lúa thương phẩm.

Với diện tích lúa đang ở các thời kỳ sinh trưởng, ngành khuyến cáo các địa phương thường xuyên theo dõi tình hình phát sinh, phát triển dịch hại trên đồng và có kế hoạch phòng trị kịp thời.

Theo Cục Trồng trọt, vụ Hè Thu vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1,515 triệu ha, giảm 9.000ha. Cơ cấu giống lúa chất lượng trung bình vụ Hè Thu 2021 ở khu vực chỉ khoảng 11,5%, giảm 4,7% so với vụ Hè Thu 2020. Trừ diện tích nếp khoảng gần 11% thì còn lại là các giống lúa thơm, đặc sản và lúa chất lượng cao.

Dự kiến, năng suất Hè Thu năm nay ước đạt 56,66 tạ/ha, tăng 1,15 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8,584 triệu tấn, tăng 124.000 tấn.

Với nguồn cung tăng lên khiến giá gạo xuất khẩu đã giảm tại các “vựa lúa gạo” hàng đầu của châu Á trong tuần qua; trong đó giá gạo Thái Lan chạm mức thấp nhất trong 19 tháng, còn giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Một thương nhân tại tỉnh An Giang cho biết nguồn cung lúa gạo trong nước đã tăng lên khi nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu.

Giá gạo 5% tấn của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng từ 465-470 USD/tấn trong phiên ngày 8/7 so với mức từ 470-475 USD/tấn một tuần trước đó.

Thương nhân này nói thêm rằng các nhà nhập khẩu gạo đã giảm mua từ Việt Nam do chi phí vận chuyển cao.

Các thương nhân cũng cho hay doanh số bán lúa cũng giảm do những hạn chế đi lại liên quan đến dịch COVID-19.

Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ ổn định ở mức từ 367-371 USD/tấn trong tuần qua, mức thấp nhất trong hơn bảy tháng do tốc độ gieo trồng vụ Hè Thu tăng ở hầu hết các vùng ở nước này.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ, cho biết tốc độ gieo trồng lúa đã tăng ở khu vực miền đông Ấn Độ, còn ở các khu vực khác sẽ được đẩy nhanh từ tuần tới.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan ngày 8/7 là từ 410-425 USD/tấn. Các nhà giao dịch tại Bangkok cho biết nhu cầu lúa gạo ở nước ngoài đang giảm dần và đồng baht Thái Lan xuống giá so với đồng USD đã khiến giá bán gạo thấp hơn trong tuần này cho một số nhà giao dịch sau khi chuyển đổi tiền tệ.

Theo Bộ Lương thực Bangladesh, nước này đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo trong năm tài chính 2020-2021 (kết thúc vào tháng 6/2021), mức cao nhất kể từ năm tài chính 2017-2018 khi nước này mua kỷ lục 3,8 triệu tấn gạo.

Trên thị trường nông sản Mỹ cho thấy giá các mặt hàng nông sản giao dịch tại sàn Chicago (Mỹ) biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 9/7, với giá ngô và lúa mỳ giảm, còn giá đậu tương tăng.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 6,75 xu Mỹ (1,29%) xuống 5,17 USD/bushel.

Trong khi giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 giảm 3 xu Mỹ (0,49%) xuống 6,15 USD/bushel.

Tuy nhiên, giá giá đậu tương giao tháng 11/2021 lại tăng 9,75 xu Mỹ (0,74%) lên 13,2925 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Sự chú ý của thị trường vẫn đang tập trung vào tình hình thời tiết ở khu vực Trung Tây Mỹ, cũng như tình hình nguồn cung tại Mỹ khi “thiếu vắng” nhu cầu xuất khẩu trong ngắn hạn.

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng giá các mặt hàng nông sản sẽ vẫn biến động.

Dự báo thời tiết cho thấy thời tiết ở khu vực phía Nam Minnesota ẩm ướt hơn và mưa đã “di chuyển” sang phía Đông Nebraska và Nam Dakota. Thời tiết ẩm ướt chủ yếu diễn ra trong hai ngày 11-12/7. Ở những khư vực khác, dự báo có mưa và thời tiết ôn hòa diễn ra khá phù hợp với giai đoạn thụ phấn của cây ngô trong vòng 5-10 ngày.

Trong tuần kết thúc vào ngày 1/7, Mỹ đã xuất khẩu 7 triệu bushel ngô, so với mức 1 triệu bushel trong tuần trước; 2 triệu bushel đậu tương, so với 3 triệu bushel trước đây; và 11 triệu bushel lúa mỳ, so với 8 triệu bushel trong tuần trước.

Tính đến thời điểm này, Mỹ đã bán được 2.745 triệu bushel ngô, tăng 64% so với năm ngoái và 2.274 triệu bushel đậu tương, tăng 35%.

Trong khi đó, lượng lúa mỳ xuất khẩu trong niên vụ 2021-2021 đạt tổng cộng 246 triệu bushel, giảm 11% so với niên vụ trước.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo trong nước giảm nhẹ ảnh 2Thu hoạch lúa mỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng các nhà xuất khẩu nước này đã bán 228.600 tấn đậu tương cho Mexico trong niên vụ 2021-2022, cho thấy nhu cầu đậu tương thế giới có thể sẽ chuyển dần từ Nam Mỹ sang Mỹ.

Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2021 trên sàn ICE Europe-London (Anh) tăng phiên thứ ba liên tiếp, tăng thêm 37 USD lên 1.744 USD/tấn.

Trái lại, giá càphê Arabica giao tháng 9/2021 trên sàn ICE US-New York giảm 0,75 xu Mỹ, xuống 151,30 xu Mỹ/pound (1 pound = 0,454 kg). Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Giá càphê tại thị trường New York giảm trong khi Brazil vẫn duy trì sức bán tốt, bất chấp tin đồn nông dân và thương nhân nội địa đã “xù” hàng cho những hợp đồng đã ký ở mức giá thấp.

Trái lại, hoạt động đầu cơ đẩy giá tăng vọt trên sàn London đã gây bất ngờ cho thị trường và nằm ngoài sự dự đoán của các nhà phân tích và giới quan sát.

Tại Việt Nam, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng lên và dao động trong khung 36.000-36.700 đồng/kg.

Dịch vụ Dự báo Thời tiết của Mỹ cho rằng có 60% khả năng sẽ có hiện tượng thời tiết La Nina phát triển vào cuối năm nay, sẽ gây mưa nhiều cho các nước sản xuất càphê trên vành đai Thái Bình Dương và khô hạn cho vùng càphê phía Đông Nam Brazil. Tuy nhiên, chỉ có thể khẳng định điều này trong vài tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục