Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định so với tuần trước, đặc biệt giá các loại gạo đã tăng khá trở lại.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.650 đồng/kg, giá bình quân là 5.579 đồng/kg, tăng 7 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.540 đồng/kg, tăng 5 đồng/kg.
Đặc biệt, giá các mặt hàng gạo đã có sự tăng khá trở lại. Theo đó, giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.550 đồng/kg, giá bình quân 9.093 đồng/kg, tăng 136 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.350 đồng/kg, giá bình quân 8.867 đồng/kg, tăng 133 đồng/kg.
Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 8.625 đồng/kg, tăng 142 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.375 đồng/kg, tăng 223 đồng/kg. Riêng giá cám cũng tăng mạnh, trung bình là 8.311 đồng/kg, tăng 432 đồng/kg.
Tại An Giang, nhìn chung giá các loại lúa ổn định so với tuần trước như: OM 18 từ 5.700-5.900 đồng/kg, Đài thơm tám từ 5.800-5.900 đồng/kg, IR 50404 ở mức từ 5.500-5.600 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.900-6.000 đồng/kg, riêng OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; riêng gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, Sóc Tăng, giá các loại lúa vẫn duy trì ổn định so với tuần trước. Tại Cần Thơ: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng: lúa ST 24 có giá là 8.000 đồng/kg, OM 4900 là 8.500 đồng/kg, OM 6976 là 6.4 đồng/kg, RVT là 8.200 đồng/kg.
[Lạm phát thế giới tăng cao ảnh hưởng đến giá gạo Việt Nam]
Còn tại Hậu Giang, giá một số loại lúa có sự tăng nhẹ 100 đồng/kg, như IR 50404 là 6.300 đồng/kg, RVT là 8.100 đồng/kg; riêng OM 18 là 6.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Từng bước nâng cao chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu, An Giang đã ban hành Đề án Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 5.000 tấn gạo mang thương hiệu An Giang được tiêu thụ cho thị trường nội địa; đến năm 2030 mức tiêu thụ đạt khoảng 10.000 tấn và sẽ có mặt trong hệ thống bán lẻ của các siêu thị lớn như Coop Mart, VinMart, Big C, Auchan, Bách Hóa Xanh...
Từ năm 2026-2030, xây dựng và phát triển “lòng trung thành” của khách hàng đối với gạo thương hiệu An Giang và phấn đấu trở thành thương hiệu gạo quốc gia.
Tại các tỉnh, thành phố duyên hải Nam Trung Bộ, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn xuất hiện từ ngày 31/3 đến ngày 2/4 vừa qua trên địa bàn gây ngập lụt và ngã đổ một số diện tích lúa đang giai đoạn trổ chín khiến năng suất và sản lượng lúa giảm.
Bởi vậy, vụ Đông Xuân này các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gieo cấy 327.000 ha (tăng 4.650 ha so với vụ Đông Xuân 2020-2021) nhưng sản lượng đạt trên 2 triệu tấn (giảm 144.000 tấn), năng suất đạt 63,19 tạ/ha (giảm 4,44 tạ/ha).
Các địa phương có năng suất, sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 giảm như tỉnh Phú Yên năng suất giảm 22,84 tạ/ha, sản lượng giảm 60.000 tấn. Đà Nẵng năng suất giảm 13,04 tạ/ha, sản lượng giảm 3.000 tấn.
Quảng Nam năng suất giảm 9,73 tạ/ha, sản lượng giảm 40.000 nghìn tấn. Quảng Ngãi năng suất giảm 2,88 tạ/ha, sản lượng giảm 9.000 tấn. Bình Định năng suất giảm 1,5 tạ/ha, sản lượng giảm 8.000 tấn. Khánh Hòa năng suất giảm 4,29 tạ/ha, sản lượng giảm 9.000 tấn.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần qua được chào bán ở mức 415 USD/tấn, giảm từ mức tương ứng 420-425 USD/tấn của tuần trước, trong bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào và nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch khoảng 90% vụ Đông Xuân.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo dự kiến của Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.
Dữ liệu vận tải sơ bộ cho thấy có 291.690 tấn gạo sẽ được xuất cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 4/2022, trong đó phần lớn là tới đến Philippines và Cuba.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% được báo ở mức từ 361-365 USD/ tấn, giảm so với mức tương ứng từ 364-368 USD/tấn của tuần trước. Đồng rupee yếu hơn cũng ảnh hưởng tới giá gạo của Ấn Độ bởi làm tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán hàng ra nước ngoài.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết: "Nhu cầu gạo vẫn cao, nhưng giá đang giảm do đồng rupee yếu. Nguồn cung cũng đã được cải thiện trong vài tuần qua."
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên mức từ 410-414 USD/tấn, từ mức 408-412 USD của hai tuần trước. Thái Lan đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo từ tháng Một đến tháng Hai năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Bangladesh, giá gạo nội địa vẫn tăng cao mặc dù có lượng dự trữ tốt nhờ vào vụ mùa bội thu và lượng gạo nhập khẩu lớn, trong khi Chính phủ Bangladesh cung cấp ngũ cốc trợ cấp cho người dân nghèo.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đồng loạt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần 22/4, dẫn đầu là giá đậu tương.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 giảm 6,25 xu Mỹ (0,79%) xuống 7,89 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn cũng mất 1,25 xu Mỹ (0,12%) xuống 10,7525 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 7/2022 hạ mạnh 31,5 xu Mỹ (1,83%), xuống 16,88 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô và đậu tương hiện đã ở quá mức mua vào có lợi và có thể bị các nhà đầu tư bán ra chốt lời. Sự thay đổi trọng tâm chú ý của thị trường từ vụ mùa cũ sang vụ mùa mới đang diễn ra và triển vọng về một vụ thu hoạch lớn khác với mức giá cao trong tháng Tư đã dẫn tới sự điều chỉnh của thị trường.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng giá các mặt hàng nông sản trên sàn CBOT sẽ chạm đáy ngay trước hoặc sau báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới (WASDE) được công bố vào tháng 5/2022. Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine leo thang có thể là vấn đề đối với xuất khẩu của Ukraine trong dài hạn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng Mexico và Trung Quốc đã đặt mua lượng lớn ngô của Mỹ. Trung Quốc đặt 1,35 triệu tấn ngô Mỹ, trong khi Mexico đã đặt mua 281.000 tấn. Việc bán tổng cộng 1,631 triệu tấn ngô cho hai quốc gia trên đánh dấu một trong những doanh số bán ngô hàng ngày lớn nhất trong tháng của Mỹ.
Mùa khô dường như đã bắt đầu sớm từ 2-3 tuần trước trên khắp miền Bắc và miền Trung Brazil, khiến nông dân Brazil lo lắng về triển vọng năng suất ngô vụ Đông.
Trong khi đó, khu vực đồng bằng tại Mỹ có xu hướng khô hạn với lượng mưa hạn chế và tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 22/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe-London chứng kiến đà tăng. Loại kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng thêm 36 USD, lên 2.130 USD/tấn, còn loại kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 2 USD, lên 2.116 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York đảo chiều giảm. Loại có kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 0,95 xu, xuống 227,15 xu/lb và loại kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 1,10 xu, còn 227,05 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên (Việt Nam) tăng thêm 100 đồng, lên dao dộng trong khoảng 40.400-41.000 đồng/kg.
Giá càphê Robusta có xu hướng phục hồi trở lại, song sẽ không bền vững bởi nhiều yếu tố. Trong đó, từ giữa tháng 4/2022, giá cà phê Robusta có xu hướng phục hồi do nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà tăng.
Áp lực bán càphê của niên vụ 2021-2022 từ các nước sản xuất vẫn tiếp tục, trong khi một số nước sản xuất chính như Brazil và Indonesia đã bước vào thu hoạch vụ mùa mới của năm nay với các dự báo ban đầu rất lạc quan cũng khiến xu hướng đầu cơ trên các thị trường bị chững lại.
Lo ngại lạm phát leo thang và rủi ro tăng cao khi xung đột giữa Nga và Ukraine có thể kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế thế giới do các chính sách cấm vận của phương Tây.
Trong khi đó, số ca lây nhiễm COVID-19 vẫn ở mức cao và các ngân hàng trung ương lớn đang xem xét để thắt chặt các biện pháp kích thích kinh tế và nâng cao lãi suất cơ bản tại các phiên họp chính sách sắp tới. Điều này kết hợp với khả năng nâng lãi suất cơ bản đã khiến các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng trong việc cân đối, thanh lý trên các thị trường kỳ hạn nói chung.
Dự kiến mức tiêu thụ cà phê của Brazil trong niên vụ 2021-2022 sẽ giảm lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua do suy thoái kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao và giá cả tăng cao đã tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng./.