Tuần qua (ngày 19/10 đến 24/10), giá lúa ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ so với tuần trước.
Cùng chung xu hướng đó là giá càphê cũng có với mức tăng nhẹ, nhưng ấn tượng nhất là giá tiêu có mức tăng khá mạnh trong tuần qua.
Thị trường nông sản trong nước
Giá lúa tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tăng với mức tăng từ 100-200 đồng/kg. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000-6.200 đồng/kg; tăng 100-150 đồng/kg; các loại lúa chất lượng cao cũng có giá tăng từ 100-200 đồng/kg, cụ thể Jasmine từ 6.200-6.300 đồng/kg, lúa OM từ 6.000-6.250 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm xuất khẩu trong tuần qua tăng nhẹ. Giá gạo nguyên liệu IR 50404 tăng từ 100- 150 đồng/kg lên 9.300-9.350 đồng/kg. Gạo thành phẩm xuất khẩu IR 50404 tăng 150 đồng lên 10.550 đồng/kg; giá tấm loại1 IR 50404 tăng 100 đồng/kg lên 9.100 đồng/kg. Giá cám vàng tăng 150 đồng/kg lên 6.350 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, hiện thương lái thu mua lúa tươi giống IR 50404 tại ruộng từ 5.800-6.100 đồng/kg, lúa Đài thơm từ 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Jasmine khoảng 6.300 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.000-7.500 đồng/kg...
Theo các thương lái, trong tuần qua thị trường lúa gạo sôi động hơn, giá gạo OM 5451 tăng do nhu cầu gạo nội địa tăng trong khi lượng gạo về ít.
Sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu gạo những tháng đầu năm cùng với việc tận dụng nhanh các ưu đãi mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại, đang tạo ra thời cơ mới xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. Quý IV/2020 là thời điểm ngành hàng xuất khẩu gạo “tăng tốc” để về đích với kế hoạch xuất khẩu từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
[Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 20%]
Số liệu từ Tổng cục hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 10, Việt Nam đã xuất khẩu gần 182.000 tấn gạo, thu về gần 98 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/10, Việt Nam đã xuất gần 5,2 triệu tấn gạo, thu về hơn 2,5 tỷ USD.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, tuần qua giá càphê tiếp tục hồi phục với giá tăng nhẹ. Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 24/10 dao động trong khung 31.600-32.200 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.433 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100-120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3/2021 tại London.
Về tiêu, theo Tintaynguyen, giá tiêu ở Tây Nguyên và miền Nam đang trong khoảng 51.500-54.500 đồng/kg, tăng thêm 3.000 đồng/kg so với đầu tuần.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hiện được thu mua với mức 52.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai và Đồng Nai, giá tiêu cùng ở mức 51.500 đồng/kg. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giá tiêu ở mức cao nhất được thu mua 54.500 đồng/kg, còn ở Bình Phước là 53.500 đồng/kg.
Như vậy, so với đầu tuần, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm đồng loạt tăng liên tiếp. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu tăng từ 49.500 đồng/kg lên 52.500 đồng/kg. 3.000 đồng/kg cũng là mức tăng trung bình tại các địa phương khác.
Giá tiêu được dự báo tăng mạnh trở lại, nhờ hoạt động xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam dần thuận lợi. Dự kiến trong niên vụ 2020-2021, sản lượng hồ tiêu Việt Nam tiếp tục giảm đáng kể.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sau khi kết thúc mùa thu hoạch 2019-2020, cho thấy vấn nạn dịch bệnh, giá chạm đáy trong thời gian qua đã góp phần thay đổi phương cách canh tác của nông dân và góp phần cải thiện chất lượng hồ tiêu Việt Nam trong các mùa vụ tới.
Trong bối cảnh có nhiều bất lợi hiện nay, các vườn tiêu vẫn phát triển tốt là những vườn tiêu được canh tác theo hướng hữu cơ, bền vững hoặc có liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thị trường nông sản thế giới
Kết thúc phiên giao dịch 23/10, trên Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn tăng lên, dẫn đầu là lúa mỳ.
Cụ thể, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 tăng 10 xu Mỹ (1,61%) lên 6,3275 USD/bushel, giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 3 xu Mỹ (0,72%) lên mức 4,1925 USD/bushel và giá đậu tương giao tháng 11/2020 tăng 10 xu Mỹ (0,93%) lên 10,8375 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago cho hay thị trường nông sản đã phản ứng trước thông tin Trung Quốc có thể cấp các đợt giấy phép nhập khẩu TRQ mới để mua ngô thế giới trong tương lai.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo khoảng 100.000 tấn ngô Mỹ đã được bán cho một nguồn giấu tên. Trong khi đó, lúa mỳ và đậu tương Mỹ không ghi nhận đơn hàng mới nào.
Nhu cầu đậu tương Mỹ của Trung Quốc đã chậm lại trong tuần này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã đảm bảo mua 31 triệu tấn đậu tương Mỹ trong mùa vụ 2020-2021.
Tại thị trường gạo châu Á, lũ lụt đã làm chậm quá trình thu hoạch mùa màng tại hầu hết các nước ở khu vực châu Á trong tuần này, đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Bangladesh tăng cao, trong khi các thương nhân Thái Lan cảnh báo về rủi ro nguồn cung mới.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng tới 485-495 USD/tấn trong ngày 22/10 so với mức 485-490 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại tỉnh An Giang cho hay mưa lớn diễn ra gần đây tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã làm ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch tại đây, đồng thời làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Các thương nhận cho hay mặc dù nhu cầu gạo đã bắt đầu tăng lên, song những người mua từ Philippines vẫn chưa trở lại. Bên cạnh đó, mưa lớn cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng vụ Thu-Đông. Giá thóc mới trong nước đã giảm do chất lượng kém.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 435-440 USD/tấn so với mức 445-480 USD/tấn trong tuần trước, trong đó các nhà giao dịch cho rằng nhu cầu yếu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Tại nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ, nhu cầu yếu kém và đồng rupee mất giá đã đẩy giá gạo 5% tấm của Ấn Độ xuống còn 372-377 USd/tấn so với mức 376-382 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại thành phố Kakinada thuộc bang phía nam Andhra Pradesh, Ấn Độ cho biết số lượng đơn đặt hàng mới cũng chậm lại trong những ngày qua.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Ấn Độ trong năm 2020 đã tăng gần 42% so với năm trước đó lên mức cao kỷ lục 14 triệu tấn hoạt động xuất khẩu của các đối thủ giảm sút và đồng rupee yếu.
Về hị trường càphê, giá càphê thế giới đã giảm xuống trong phiên ngày 23/10 do lo ngại nhu cầu yếu trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới. Tuy vậy, đà giảm của giá càphê Robusta đã bị hạn chế phần nào do quan ngại về tình hình mùa vụ càphê ở Việt Nam.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta giao tháng 11/2020 trên sàn ICE Europe -London giảm 5 USD, xuống 1.271 USD/tấn. Trong khi đó, giá càphê Arabica giao tháng 12/2020 trên sàn ICE US-New York giảm 1,1 xu Mỹ, xuống 105,6 xu Mỹ/lb. (1lb=0,45kg)
Số ca mắc COVID-19 gia tăng trên khắp thế giới có thể thúc đẩy chính phủ các nước áp đặt các biện pháp ở nhà mới, mà sẽ hạn chế tiêu thụ và nhu cầu càphê.
Italy ngày 23/10 đã báo cáo kỷ lục 19.143 ca mắc COVID-19 mới, còn Pháp đã báo cáo kỷ lục 41.622 trường hợp mắc COVID-19 trong ngày 22/10 khi chính phủ mở rộng lệnh giới nghiêm với 46 triệu người được yêu cầu ở nhà từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.
Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ tháng 7/2020, số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ đã vượt trên 70.000 trường hợp trong ngày 22/10. Trên thế giới hiện đang ghi nhận 42,117 triệu người mắc và hơn 1,144 triệu ca tử vong.
Nguồn cung càphê vẫn dồi dào khi ngày 13/10, CeCafe cho hay xuất khẩu càphê xanh tháng 9/2020 của Brazil đã tăng 11,5% so với năm ngoái lên 3,5 triệu bao, khối lượng cao nhất tính trong tháng Chín.
Tổ chức càphê quốc tế (ICO) ngày 2/10 đã nâng ước tính dư thừa nguồn cung càphê trong mùa vụ 2019/20 trên thế giới lên 1,54 triệu bao so với ước tính 952.000 bao trước đó giữa bối cảnh ICO đã cắt giảm ước tính lượng càphê tiêu thụ trong cùng thời gian này khoảng 9,5% xuống 167,807 triệu bao so với ước tính trước đó. (1 bao = 60 kg).
Giá càphê Robusta đã được “tiếp sức” nhờ lo ngại rằng mưa lớn có thể làm trì hoãn việc thu hoạch càphê ở Việt Nam, nhà sản xuất càphê robusta lớn nhất thế giới. Hiện tượng thời tiết La Nina khiến mùa mưa kéo dài ở Tây Nguyên, vùng sản xuất càphê lớn nhất của Việt Nam.
Thời tiết ẩm ướt đang cản trở hạt càphê chín khi Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột của Việt Nam ngày 19/10 cho biết rằng chỉ có 10% số cây càphê ở Tây Nguyên cho quả chín, thấp hơn nhiều so với các năm trước.
Mùa mưa ở Tây Nguyên thường kết thúc vào tuần đầu tháng 11, nhưng theo Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột, ảnh hưởng của hiện tương thời tiết La Nina có thể kéo dài mùa mưa đến hết tháng 11.
Trong khi đó, càphê Arabica được hỗ trợ do lo ngại rằng thời tiết khô hạn tại Brazil sẽ làm hạn chế sản lượng càphê. Các khu vực trồng càphê của bang Minas Gerais đã phải trải qua nhiệt độ trên trung bình và thiếu mưa trầm trọng trong 5 tháng qua./.