Tuần qua (ngày 18/5 đến 22/5), giá lúa gạo được ghi nhận ở mức ổn định; tiếp đà tăng của tuần trước sau khi vượt mốc 40.000 đồng/kg, giá tiêu tiếp tục tăng đạt từ 43.000-45.000 đồng/kg.
Thị trường nông sản trong nước
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, ngày 22/5, giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 5.500-7.800 đồng/kg tùy loại, tương đương với tuần trước đó như lúa Jasmine là 5.600-5.800 đồng/kg, IR 50404 là 5.500-5.600 đồng/kg, các loại lúa OM từ 5.500-5.700 đồng/kg, lúa Nhật 7.300-7.800 đồng/kg…
Giá gạo thường 11.000-11.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 14.500-15.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 16.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tuần qua ở mức 473-477 USD/tấn với gạo 5% tấm, tăng nhẹ so mức 468-472 USD/tấn với tuần trước đó; với gạo 25% tấm là 453-457 USD/tấn tương đương tuần trước; riêng gạo Jasmine có giá giảm nhẹ là 558-562 USD/tấn (so với mức 563-567 USD/tấn tuần trước).
Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ đang bước vào thu hoạch, trong khi Miến Điện cũng sẽ góp mặt vào vài tuần nữa sẽ giúp nguồn cung lúa gạo hàng hóa dồi dào hơn.
Thực trạng logistics tiếp tục là mối lo ngại và ảnh hưởng đến khối lượng xuất khẩu.
Nhìn chung tình hình đang cải thiện, đặc biệt tại các nước xuất khẩu gạo, trong khi các nước nhập khẩu gạo (đặc biệt là châu Phi) vẫn trì trệ.
Nhu cầu vẫn sôi động tuy nhiên vận chuyển hàng hóa từ cảng xuất đến thị trường tiêu thụ vẫn còn gặp khó khăn.
Việc Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam sắp thu hoạch bổ sung nguồn cung, trong khi logistics gián đoạn và các thách thức COVID-19 tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Dự báo giá gạo Việt Nam và Miến Điện vững chắc, trong khi giá gạo Thái và Pakistan giảm, gạo Ấn Độ ổn định nhưng tiếp cận xuất khẩu hạn chế.
Tính đến ngày 14/5, theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ Hè Thu 2020 đã xuống giống được 1,1 triệu ha/1,540 triệu ha diện tích kế hoạch; trong đó đã thu hoạch được 30.000 ha với năng suất khoảng 5,8 tấn/ha.
Giới chuyên gia dự báo, tuy nguồn cung từ vụ thu hoạch sắp tới nhưng sẽ không tăng mạnh vì hoạt động thu hoạch sẽ diễn ra chậm, kéo dài hơn hai tháng.
[Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chủ động thích ứng tình hình mới]
Tiếp tục đà tăng của tuần trước đó, giá tiêu vẫn có xu hướng tăng tuần qua trên toàn khu vực trọng điểm Tây Nguyên lên mức 43.500-45.5000 đồng/kg vào ngày 23/5.
Đồng Nai chốt ở 43.500 đồng/kg; Gia Lai sau khi tăng mạnh 1.500 đồng chốt ở 44.000 đồng/kg; Bình Phước lên 44.500 đồng/kg; Bà Rịa-Vũng Tàu đứng đầu với mức cao nhất 45.500 đồng/kg; các tỉnh khác ở quanh mức 43.500 đồng/kg,
Bên cạnh đó, giá càphê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên cũng có sự tăng nhẹ so với cuối tuần trước.
Nguồn từ Diễn đàn của người làm càphê giá càphê cho thấy, giá nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên, ở mức 31.000-31.600 đồng/kg, tăng 300-500 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/5 giá càphê xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, cũng có sự tăng nhẹ, khoảng 40 USD/tấn so với cuối tuần trước đó, ở mức 1.338 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100-110 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Thị trường nông sản thế giới
Tại thị trường Mỹ, giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) biến động trái chiều trong phiên 22/5, trong đó giá ngô tăng nhẹ, còn giá đậu tương và giá lúa mỳ giảm.
Vào lúc đóng cửa phiên giao dịch 22/5, giá ngô Mỹ giao tháng 7/2020 tăng 0,25 xu Mỹ (tương đương 0,08%) lên 3,18 USD/bushel.
Trong khi đó, giá đậu tương Mỹ giao cùng kỳ hạn giảm 1,75 xu Mỹ (0,21%) xuống còn 8,3325 USD/bushel, còn giá lúa mỳ Mỹ giao tháng 7/2020 giảm 7,25 xu Mỹ (1,41%) xuống 5,0875 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Các nhà môi giới ước tính các quỹ đã bán 2.300 hợp đồng lúa mỳ, 3.100 hợp đồng ngô và 900 hợp đồng đậu tương. Khối lượng giao dịch thưa thớt trước thềm kỳ nghỉ lễ cuối tuần dài trong bối cảnh các thị trường hàng hóa Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 25/5.
Các nhà giao dịch sẽ theo dõi để xem liệu nhu cầu hàng nông sản Mỹ của Trung Quốc có cải thiện sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ vào tuần tới hay không.
Ngoài ra, AgResource, công ty nghiên cứu nông nghiệp có trụ sở tại Chicago, ước tính rằng hoạt động gieo trồng ngô của Mỹ hiện đã hoàn thành 87-89%, còn đậu tương hoàn thành 72-75%.
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu, đã chạm mức “đỉnh” của hơn một năm trong tuần này nhờ nhu cầu tăng mạnh từ các quốc gia châu Phi và châu Á, trong khi đó lốc xoáy đã làm thiệt hại một số cây trồng ở Bangladesh.
Bộ trưởng Nông nghiệp Abdur Razzaque cho hay lốc xoáy Amphan, đổ bộ vào khu vực miền Đông Ấn Độ và Bangladesh hôm 20/5, đã làm thiệt hại 176.000 ha mùa màng ở Bangladesh. Tuy nhiên, nhờ việc thu hoạch vụ Hè đã gần hoàn tất, nên mức độ ảnh hưởng không lớn.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên 385-389 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2019, so với mức 380-385 USD/tấn của tuần trước đó.
Trong khi đó, đồng baht mạnh lên, chạm mức cao của hơn hai tháng trong phiên 21/5, qua đó đẩy giá gạo 5% tấm của Thái Lan lên 480-505 USD/tấn, so với mức 480-485 USD/tấn trong tuần trước đó.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch gần mức “đỉnh” của một năm là 450-460 USD/tấn.
Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay nhu cầu cao cùng với nguồn cung thấp đã đẩy giá gạo lên mức cao của một năm.
Về thị trường càphê, khép lại phiên ngày 22/5, giá càphê giao dịch trái chiều; trong đó giá càphê Arabica rơi xuống mức thấp của 3 tháng rưỡi, còn giá càphê Robusta tăng lên mức cao của hai tuần.
Cụ thể, giá càphê Robusta giao tháng 7/2020 trên sàn ICE Europe-London tăng thêm 18 USD, lên 1.207 USD/tấn. Trên sàn ICE US-New York, giá càphê Arabica giao tháng 7/2020 giảm phiên thứ tư liên tiếp, giảm 1,15 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg), xuống 103,6 xu/lb trước tín hiệu nguồn cung càphê toàn cầu tăng mạnh.
Ngân hàng Rabobank ngày 21/5 đã nâng dự báo dư cung càphê trong niên vụ 2019/2020 từ mức 1,6 triệu bao lên 2,6 triệu bao và niên vụ 2020/2021 từ 5,6 triệu bao lên 7,6 triệu bao, do tác động tiêu cực từ các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan, khiến tiêu thụ càphê sụt giảm./.