Các nhà giao dịch ngũ cốc quốc tế cho biết họ đang hết sức hoang mang và "lúng túng" sau khi Ai Cập - nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới - bất ngờ thắt chặt quy định về nhập khẩu lúa mỳ, khiến nông sản này không vào được thị trường Ai Cập như kế hoạch.
Các quan chức Bộ Nông nghiệp và Kiểm dịch Ai Cập cho biết họ đang áp dụng quy định mới về nhập khẩu lúa mỳ, theo đó, lúa mỳ vào nước này sẽ phải chứng minh hoàn toàn không nhiễm một loại nấm ngũ cốc gọi là “nấm cựa gà” (ergot).
Quyết định này khiến nhiều chuyến hàng chở lúa mỳ từ nước ngoài không vào được Ai Cập từ cuối tháng trước.
Tuy nhiên, điều làm giới giao dịch ngũ cốc cảm thấy "lúng túng" nhất là trong khi Bộ Nông nghiệp và Kiểm dịch Ai Cập áp dụng quy định trong đó yêu cầu lúa mỳ vào nước này hoàn toàn không được nhiễm “nấm cựa gà," thì General Authority for Supply Commodities (GASC) - cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thu mua, cung ứng và bình ổn thị trường hàng hóa - vẫn cho phép mức nhiễm “nấm cựa gà” ở lúa mỳ là 0,05%.
Những động thái tại Ai Cập gây sức ép không nhỏ lên thị trường lúa mỳ toàn cầu vốn đang phải đối mặt với tình trạng sản lượng và dự trữ ở mức cao kỷ lục.
Trong khi Ai Cập chưa công bố hướng dẫn cụ thể nào cho việc thực hiện quy định nói trên, thì nỗi lo các đơn hàng xuất khẩu lúa mỳ bị từ chối vào Ai Cập cũng đã khiến cho các bên cung cấp hạn chế tham gia các đợt đấu thầu mua lúa mỳ của nước này.
Ai Cập hiện là nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu lúa mỳ, mỗi năm nhập khoảng 11 triệu tấn.
Chính vì vậy, bất kỳ quyết định nào của Chính phủ Ai Cập liên quan đến việc nhập khẩu loại nông sản này đều ảnh hưởng không nhỏ tới các nước xuất khẩu cũng như giá lúa mỳ trên thị trường thế giới.
Trên thị trường Paris (Pháp), giá lúa mỳ (đã xay xát) giảm 6,5% từ đầu năm tới nay, xuống còn khoảng 166,5 euro (180,66 USD) mỗi tấn.
Trong khi đó, số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay sản lượng lúa mỳ thế giới niên vụ 2015-2016 dự báo sẽ ở mức cao kỷ lục 735 triệu tấn, tăng 1,3% so với niên vụ trước đó, trong khi dự trữ lúa mỳ ước tăng 9% lên mức cao nhất từ trước tới nay là 232 triệu tấn./.