Theo dự báo của công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 9,4 tỷ USD của năm 2019.
Nhật báo Business Times (Singapore) ngày 10/3 dẫn báo cáo của GlobalData cho biết công ty này đánh giá mức tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 16,3%. Trong 5 năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi, với chi tiêu trực tuyến tăng từ 3,9 tỷ USD năm 2015 lên 9,4 tỷ USD vào năm 2019.
Chuyên gia về thanh toán Nikhil Reddy của GlobalData cho biết, trong khi các hình thức thanh toán truyền thống như tiền mặt, thẻ ngân hàng, chuyển khoản được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thương mại điện tử, một số hình thức thanh toán khác cũng đang phát triển tại thị trường Việt Nam. Nhu cầu đối với các hình thức thanh toán tiện dụng, nhanh chóng hơn ở Việt Nam ngày càng tăng.
[Tăng tốc thanh toán số, hướng đến xã hội không tiền mặt]
Theo khảo sát của GlobalData, tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất, chiếm 35,6% trong các giao dịch thương mại điện tử. Một số giải pháp thanh toán thay thế khác đang dần chiếm lĩnh thị trường với tỷ trọng 15,5%. MoMo hiện là hình thức thanh toán phổ biến nhất, tiếp đến là PayPal.
Trong khi đó, các công ty toàn cầu cũng đang đầu tư mạnh vào các công ty thương mại điện tử tại Việt Nam. Năm 2018, Tiki đón nhận khoản đầu tư 5,3 triệu USD từ tập đoàn VNG và 44 triệu USD từ nhà đầu tư Trung Quốc - JD.com.
Cũng trong năm này, Sendo có được khoản đầu tư 51 triệu USD từ SBI Group, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Nhật Bản, và các nhà đầu tư khác. Không chỉ vậy, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) cũng đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada, một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam./.