Thị trường vàng 2014: Không nhiều đợt sóng lớn, xu hướng ổn định rõ

Không có nhiều đợt sóng lớn do yếu tố đầu cơ gây ra, thị trường vàng trong nước năm 2014 đã thể hiện rõ xu hướng ổn định hơn so với diễn biến của năm trước.
Thị trường vàng 2014: Không nhiều đợt sóng lớn, xu hướng ổn định rõ ảnh 1Khách hàng đang giao dịch vàng miếng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Không có nhiều đợt sóng lớn do yếu tố đầu cơ gây ra, thị trường vàng trong nước năm 2014 đã thể hiện rõ xu hướng ổn định hơn so với diễn biến của năm trước.

Cả năm tăng 350.000 đồng/lượng

Mở cửa ngày giao dịch đầu năm 2014 giá vàng SJC giao dịch ở ngưỡng 34,80 triệu đồng/lượng. Đến cuối năm giá bán ra dao động ở ngưỡng 35,15 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, trong năm qua, thương hiệu SJC chỉ tăng 350.000 đồng/lượng.

Mức giá đỉnh của vàng SJC trong năm 2014 là hơn 37,4 triệu đồng/lượng (ngày 20/5), nhưng từ thời điểm đó đến hết năm xu hướng giảm giá lấn át và mức giá thấp nhất của năm là 34,75 triệu đồng/lượng.

Theo ông Phạm Phú Quý, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn vàng Phú Quý, 4 tháng đầu năm 2014, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và dao động khá sát với thị trường thế giới, nhờ đó mức chênh lệch có thời điểm đã được thu hẹp xuống còn khoảng gần 2 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2014 giá vàng trong nước có thời điểm tăng mạnh, ngược chiều với thế giới. Đỉnh điểm là ngày 20/5, giá vàng SJC tăng gần 500.000 đồng/lượng, vọt lên ngưỡng 37,4 triệu đồng/lượng.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp khuyến cáo người dân thận trọng khi quyết định mua, bán vàng để tránh các thiệt hại không đáng có, lập tức thị trường vàng trong nước đã lấy lại thế cân bằng.

Từ tháng 6 trở đi, xu hướng giảm giá thể hiện rõ nét, vàng trong nước diễn biến khá sát với thế giới. Tuy nhiên, do mức độ điều chỉnh khác nhau cộng với sự biến động của tỷ giá USD trong nước nên chênh lệch bị nới rộng, đến ngày cuối cùng của năm 2014 duy trì ở mức 4,2 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng so với đầu năm).

Trên thị trường thế giới, giá vàng khép phiên ngày cuối cùng của năm 2014 (31/12) ở ngưỡng 1.187 USD/ounce. Như vậy, sau một năm giao dịch, đồng kim loại quý này giảm 26 USD/ounce.

Trước đó, trong năm 2003, giá vàng trong nước đã giảm tới 25,34%, trong khi vàng thế giới cũng giảm từ mức 1.650 USD/ounce xuống còn khoảng 1.200 USD/ounce, tương đương mức giảm 27,27%.

Hết cảnh chen lấn mua, bán vàng

Nếu như những năm trước, mỗi khi giá vàng biến động mạnh, giao dịch vàng miếng thường diễn ra rất sôi động, thậm chí các doanh nghiệp còn phải viết giấy hẹn cho khách đến lấy vàng.

Tuy nhiên, trong năm 2014, tình trạng xếp hàng mua, bán vàng đã không còn tái diễn dù giá vàng có một số thời điểm biến động mạnh.

Thể hiện rõ nhất là ngày Thần tài (19/2), mặc dù lượng giao dịch có nhỉnh hơn so với ngày thường nhưng chủ yếu là mua, bán vàng lẻ, hiện tượng người dân đổ xô đi giao dịch vàng không diễn ra.

Tiếp đến, ngày 20/5, giá vàng trong nước bất ngờ tăng tới 500.000 đông/lượng nhưng nhờ thông điệp chính thức của Ngân hàng nhà nước, tâm lý đã nhanh chóng được giải tỏa, giúp thị trường vàng đi vào ổn định.

Thị trường vàng 2014: Không nhiều đợt sóng lớn, xu hướng ổn định rõ ảnh 2Cảnh chen lấn mua bán vàng không còn diễn ra trong năm 2014 (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cũng trong năm 2014, Ngân hàng nhà nước đã dừng hoàn toàn việc đấu thầu vàng miếng sau khi đã bơm ra thị trường gần 68 tấn vàng trong năm 2013 nhằm bình ổn thị trường.

Đánh giá về thị trường trong thời gian tới, chuyên gia phân tích vàng của công ty chứng khoán IGI cho rằng, rất khó dự đoán chính xác diễn biến của giá vàng thế giới, nhưng trong ngắn hạn xu hướng điều chỉnh giảm có thể tiếp diễn, mức giá trung bình trong năm 2015 có thể dao động quanh ngưỡng 1.180 USD/ounce.

Còn trong nước, nhiều chủ trương về quản lý kinh doanh vàng đã được ban hành, trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng nhà nước có thể bán vàng để cân đối cung-cầu, do vậy vấn đề làm giá, thao túng thị trường sẽ khó có thể thực hiện được. Nhờ các yếu tố trên nên giá vàng trong nước sẽ bám sát với diễn biến chung của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.