Thị trường vàng trong nước đón đợi các động thái nới lỏng tiền tệ

Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng trong nước đã điều chỉnh giảm khoảng 200.000 đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới cũng giảm 2,1% trong tuần này.
Thị trường vàng trong nước đón đợi các động thái nới lỏng tiền tệ ảnh 1Khách hàng giao dịch vàng miếng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thị trường vàng vừa kết thúc tuần giao dịch với những phiên tăng giảm đan xen.

Theo giới phân tích, kim loại quý đang đón đợi các động thái nới lỏng tiền tệ trong tuần tới.

Ở phiên đầu tuần (16/3), giá vàng trong nước đảo chiều tăng mạnh và đã chạm ngưỡng 47 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng châu Á tăng sau động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẩn cấp cắt giảm lãi suất một ngày trước đó.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước đã nhanh chóng hạ nhiệt trong phiên 17/3 khi các giao dịch mang tính kỹ thuật và hoạt động chốt lời đã đẩy giá vàng thế giới đi xuống trong đêm trước16/3.

[Giá vàng thế giới trải qua tuần giảm thứ hai liên tiếp]

Giá vàng kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa New York lại tăng trong đêm 17/3, khi các nhà đầu tư tìm đến kim loại quý này làm nơi trú ẩn trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng. Giá vàng trong nước theo đó cũng tăng tốc trong phiên 18/3.

Phiên 18/3 trên thị trường thế giới, nhà đầu tư lại “bỏ rơi” kim loại quý này để chuyển sang nắm giữ tiền mặt do các biện pháp kích thích bổ sung của Mỹ chưa thể làm dịu tâm lý lo ngại của thị trường về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giá vàng lại quay đầu giảm và đà giảm được duy trì ở những phiên cuối tuần.

Sáng 22/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 45,75-46,55 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 45,85-46,3 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng trong nước đã điều chỉnh giảm khoảng 200.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng giảm 2,1% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp. Trong tuần trước đó, giá vàng đã giảm hơn 9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2011.

Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Công ty môi giới OANDA cho rằng giá vàng đang bắt đầu bình ổn trở lại, khi một loạt các biện pháp kích thích tiền tệ được đưa ra và xu hướng ồ ạt tích trữ tiền đã mất đà, qua đó, củng cố vai trò là kênh trú ẩn an toàn của vàng.

Giá vàng đã giảm hơn 200 USD kể từ khi tăng vượt ngưỡng 1.700 USD/ounce hồi tuần trước, chủ yếu là do giới đầu tư bán tháo các loại tài sản để giữ tiền.

Dù vậy, giới phân tích nhận định vàng vẫn đang trong tình trạng tốt ở thời điểm hiện tại. Sự giảm giá trong thời gian gần đây là cơ hội để các nhà đầu tư mua vàng, vì các điều kiện tích cực dẫn đến đà tăng giá của kim loại quý này vẫn chưa kết thúc.

Một sự kiện quan trọng trong tuần tới là cuộc họp ngày 25/3 của Fed. Tại cuộc họp lần này, Fed được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất về 0 và đưa ra chính sách nới lỏng định lượng, do đó hỗ trợ cho đà phục hồi của giá vàng.

Chuyên gia Caroline Bain của công ty Capital Economics nhận định giá vàng có triển vọng khá tích cực, khi vài tháng tới đây lãi suất có thể sẽ được cắt giảm xuống các mức siêu thấp ở nhiều nước.

Thị trường đang đón đợi các động thái nới lỏng tiền tệ tiếp theo trong vài ngày tới, giữa lúc Thượng viện Mỹ đang xem xét gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD; trong đó, có các khoản hỗ trợ trực tiếp cho người dân.

Nhiều nước khác cũng đã đưa ra các biện pháp để ngăn chặn các thiệt hại kinh tế hơn nữa, trong khi Ngân hàng trung ương Anh đã quyết định hạ lãi suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.