Thị trường vàng trong nước ghi nhận tuần giao dịch biến động

Tuần qua, giá vàng đã được đẩy lên cao trên ngưỡng 37 triệu đồng/lượng trong dịp Thần Tài và sau đó giá đã được điều chỉnh giảm dần.
Thị trường vàng trong nước ghi nhận tuần giao dịch biến động ảnh 1Người dân đi mua vàng ngày Thần Tài. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thị trường vàng trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Nhu cầu vàng tăng mạnh trong dịp Thần tài và ngày lễ Valentine 14/2 đã đẩy giá vàng lên cao trên ngưỡng 37 triệu đồng/lượng.

Trong phiên giao dịch đầu tuần 11/2, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 36,93-37,15 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

[Doanh nghiệp đồng loạt giảm giá vàng SJC sau ngày vía Thần Tài]

Đến phiên giao dịch cuối tuần (16/2), giá vàng giao dịch ở ngưỡng 36,74-37,00 triệu đồng/lượng. Như vậy, tuần qua giá vàng được điều chỉnh giảm 190.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Nhìn chung, giá vàng đã được đẩy lên cao trong dịp Thần Tài và sau đó giá đã được điều chỉnh giảm dần.

Như mọi năm, ngày Thần tài (mồng 10 tháng Giêng) người dân tấp nập đi mua vàng cầu may. Phố vàng Trần Nhân Tông tấp nập hơn thường ngày bởi người dân xếp hàng từ rất sớm để mua những sản phẩm vàng với mong muốn cầu may mắn, cầu tài lộc trong năm. Năm nay, ngày Thần tài trùng với ngày lễ tình nhân Valentine nên nhu cầu mua vàng đã tăng đột biến so với các tuần trước đó.

Thị trường vàng trong nước ghi nhận tuần giao dịch biến động ảnh 2Người dân xếp hàng từ 1 giờ sáng chờ mua vàng ngày Thần Tài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, như thông lệ vào dịp Thần tài, lượng khách tham gia giao dịch trong những ngày này tăng cao so với ngày thường. Năm nay, DOJI đã chuẩn bị 300.000 sản phẩm, tăng hơn 30% so với năm ngoái và dự kiến doanh thu tăng 30-50%.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá mua và giá bán niêm yết của các doanh nghiệp kinh doanh vàng tuần qua cũng được kéo giãn đến gần 500.000 đồng/lượng, trong đó giá mua được điều chỉnh giảm còn giá bán tăng.

Giải thích về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc chênh lệch giữa giá chiều mua vào và bán ra được giãn rộng trong ngày Thần tài không còn xa lạ ở thị trường vàng trong nước, hiện tượng này đã xảy ra từ nhiều năm nay. Các nhà kinh doanh vàng thường tận dụng nhu cầu mua vàng cao của người dân trong ngày Thần Tài để tăng giá bán kiếm lời, song sau ngày này giá thường giảm đi đáng kể.

Trên thị trường thế giới, mặc dù khởi động tuần này với đà giảm, song giá vàng đã "lội" ngược dòng trong các phiên sau đó để ghi nhận tuần đi lên. Đáng chú ý trong phiên giao dịch cuối tuần, giá kim loại quý này chạm mức cao nhất hai tuần sau khi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung kết thúc tại Bắc Kinh.

Các cuộc đàm phán mới kéo dài từ đầu tuần giữa TRung Quốc và Mỹ để giải quyết xung đột thuế quan đã kết thúc ngày 15/2 tại Trung Quốc mà không có bất kỳ tiến triển lớn nào khi các nhà đàm phán vẫn bế tắc về các vấn đề quan trọng.

Tuy nhiên, hai nước sẽ tiếp tục đàm phán vào tuần tới tại Washington, trước khi thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kết thúc vào đầu tháng 3/2019. Tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể hỗ trợ giá vàng vì Trung Quốc là một trong những quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.