Công ty tái bảo hiểm Swiss Re ngày 15/12 cho biết siêu bão Ida và cơn bão mùa đông Uri ở Mỹ, cũng như lũ lụt ở châu Âu, đã làm cho năm 2021 trở thành năm tốn kém đứng thứ tư về mức trả bảo hiểm thiên tai trong ngành này kể từ năm 1970 đến nay.
Trước khi các cơn lốc xoáy mới đây vừa gây thiệt hại cho nước Mỹ, năm 2021 đã nằm trong danh sách là năm được đặc biệt ghi nhận bởi thiên tai. Công ty tái bảo hiểm Swiss Re cho biết, kể từ đầu năm đến nay, những sự kiện này đã gây ra thiệt hại khoảng 250 tỷ USD, tăng 24% so với năm ngoái.
Hóa đơn tiền bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm lên tới 105 tỷ USD (tăng 17% trong một năm). Đối với ngành này, năm 2021 trở thành là năm đắt giá thứ tư về mức độ bảo hiểm thiên tai kể từ năm 1970 trở lại đây.
Với sức tàn phá của các trận siêu bão Harvey, Irma và Maria, năm 2017 vẫn là năm đắt nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.
Biến đổi khí hậu
Các đánh giá tổng hợp năm 2021 mà ngành bảo hiểm công bố chỉ liên quan đến thiệt hại tài sản và không bao gồm hậu quả gây ra bởi dịch COVID-19. Số liệu sẽ vẫn phải được cập nhật vì chưa tính thiên tai xảy ra vào tháng 12 này, đặc biệt là hậu quả của các cơn lốc xoáy ở Mỹ vừa qua.
[Hãng bảo hiểm Thụy Sĩ ước tính các thảm họa gây thiệt hại 77 tỷ USD]
Chi phí cho chúng chưa được Swiss Re đánh giá, nhưng dự kiến là sẽ cao. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings ước tính số tiền phải thanh toán của các công ty bảo hiểm cho các thảm họa này có thể lên đến 5 tỷ USD, trong khi chuyên gia mô hình thảm họa Karen Clark & Company dự kiến khoảng 3 tỷ USD tổn thất được bảo hiểm.
Trong mọi trường hợp, tổn thất được bảo hiểm do thiên tai gây ra trong năm 2021 vẫn cao hơn mức trung bình được ghi nhận trước đó trong hơn mười năm, Swiss Re nhấn mạnh. Biến đổi khí hậu thường được lấy để giải thích cho sự gia tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất của các thiên tai mà trong lịch sử là khá nhiều nhưng tương đối rẻ: như cháy rừng, lũ lụt, v.v.
Trong năm 2021, những sự kiện mà các chuyên gia gọi là "rủi ro thứ cấp" này giải thích cho hơn một nửa hóa đơn phải thanh toán cho thiên tai trong lĩnh vực bảo hiểm.
Ida và Uri, những thảm họa đắt giá nhất
Hai thảm họa gây tàn phá nhất đã diễn ra tại Mỹ. Đó là cơn bão Ida, gây ra lũ lụt ở Thành phố New York và gây thiệt hại 30 tỷ đến 32 tỷ USD đối với tài sản được bảo hiểm. Cơn bão mùa đông Uri, gây ra tuyết rơi dày đặc và tàn phá lưới điện của Texas, khiến ngành công nghiệp này thiệt hại 15 tỷ USD. 'Mặc dù rất ấn tượng, nhưng các vụ cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ vào năm 2021 gây thiệt hại ít hơn so với năm 2017, 2018 và 2020 vì chúng ảnh hưởng đến các khu vực ít dân cư hơn.
Châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Các trận lũ lụt tấn công Đức, Bỉ và các nước láng giềng vào mùa hè năm nay đã gây ra thiệt hại cho tài sản được bảo hiểm trị giá 13 tỷ USD. Tuy nhiên con số này thấp hơn nhiều so với khoảng 40 tỷ USD tổng thiệt hại được ghi nhận.
Những trận lũ lụt này là thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất đối với khu vực châu Âu kể từ năm 1970 và là trận lũ lụt có sức tàn phá lớn thứ hai trên thế giới, sau trận lũ lụt mà Thái Lan phải hứng chịu vào năm 2011.
Jérôme Jean Haegeli, nhà kinh tế trưởng của Swiss Re, nhấn mạnh: “Tác động của những thảm họa thiên nhiên mà chúng ta đã trải qua trong năm nay một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải đầu tư đáng kể vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng quan trọng để chống chọi với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.”
Cũng theo thống kê, năm 2021, thảm họa do con người gây ra ước tính khoảng 7 tỷ USD đối với tổn thất được bảo hiểm và 9 tỷ USD cho tổn thất chung./.