Các hệ thống này nhằm tăng cường mức độ an toàn của việc hải hành trên các tuyến hàng hải quốc tế và nội địa, ngăn chặn các tai nạn xảy ra trên biển, nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh tế trên biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia cũng như đáp ứng các yêu cầu của tổ chức quốc tế,
Hiện trạng quản lý-giám sát
Từ năm 2007, Bộ Bưu chính Viễn thông đã thực hiện tăng cường năng lực hệ thống thông tin trên bờ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về sử dụng chung cơ sở hạ tầng, bên cạnh việc đẩy mạnh trang thiết bị thông tin cần thiết trên các tàu thuyền đánh cá.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức lại hệ thống thông tin dự báo thiên tai; Cục Hàng hải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn.
Riêng hệ thống thông tin quản lý tàu thuyền trên biển, các ban, ngành cũng đã kiến nghị thành lập Trung tâm quản lý tàu thuyền đánh cá thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm quản lý tàu thuyền thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Việc thành lập Trung tâm này là vấn đề cấp bách, vì sẽ giúp cho các cơ quan chức năng nắm bắt được tình hình tàu thuyền ra khơi, để chủ động trong mọi tình huống.
Theo nhận xét của Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo-Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, để xác định được các mục tiêu trên biển, cần có hệ thống giám sát tổng hợp-thống nhất toàn bộ 1 triệu km2 biển bằng vệ tinh, máy bay, radar, nhằm phát hiện các tàu thuyền và công tác cứu hộ-cứu nạn của các quốc gia khác.
Các hoạt động kinh tế biển đa dạng gồm tàu hàng, tàu cá, tàu dầu khí, tàu khoa học, tàu du lịch... nên cần sớm có hệ thống giám sát tổng hợp và thống nhất thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Cho đến nay, hệ thống thông tin của ngành Hàng hải Việt Nam bao gồm hệ thống thông tin duyên hải với 29 đài; 1 đài vệ tinh mặt đất Inmarsat; 1 đài thu tín hiệu báo động cấp cứu qua vệ tinh COSPAS-SARSAT và 1 trung tâm xử lý thông tin hàng hải.
Hệ thống báo động an ninh hàng hải SSAS tăng cường an ninh trên biển và hạn chế, đối phó với các hành động khủng bố, cướp biển theo Bộ luật an ninh tàu và cảng biển (ISPS code) của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO. Trung tâm tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam có chức năng trực canh 24/24 giờ, nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin liên quan đến an ninh hàng hải.
Tuy vậy, qua ứng phó với các tai nạn trên biển thời gian vừa qua cho thấy, hệ thống thông tin hàng hải của Việt Nam đang có nhiều vấn đề bất cập; đồng thời hệ thống tàu cá của Việt Nam hầu như chưa có hệ thống AIS (hỗ trợ nhận dạng tàu thuyền trên toàn cầu), nên rất khó kiểm soát các tàu thuyền nước ngoài đi lại trên vùng biển thuộc quyền quản lý của Việt Nam.
Cần phải đa dạng hóa các hệ thống kiểm soát và xác định tàu thuyền trên biển, giúp bảo vệ chủ quyền, tìm kiếm cứu nạn, giám sát khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển hiệu quả.
Đề xuất giải pháp công nghệ
Thế kỷ 21 được xác định là thế kỷ hội nhập quốc tế, đồng thời là thế kỷ của đại dương và của công nghệ số-không dây (điện thoại di động, máy tính, internet, GPS, Wifi), công nghệ vệ tinh viễn thám, radar.
Các công nghệ đã thay đổi rất nhanh, kể cả truyền tin và thông tin trên biển, đã tạo ra sự phát triển mới về hệ thống thông tin và định vị trên biển trên toàn cầu theo hướng hiện đại, gọn nhẹ hơn. Hiện trạng công nghệ vệ tinh siêu nhỏ chỉ vài kg, giá thành không cao mà cũng có tác dụng tương đương.
Ông Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo Việt Nam cho rằng để chủ động thông tin giám sát các tàu thuyền Việt Nam trên vùng Biển Đông và các vùng biển quốc tế, bằng nguồn thông tin từ các vệ tinh siêu nhỏ chỉ nặng vài kg với giá thành đầu tư khoảng vài chục nghìn USD, Việt Nam có thể chủ động có được thêm hệ thống của riêng mình, sẽ tạo cơ hội điều hành-quản lý tàu thuyền hiệu quả và chủ động hơn.
Bởi vệ tinh nhỏ có tác dụng quản lý hàng hải, theo dõi hải trình của tàu, giám sát hoạt động đánh bắt cá, xác định và truy tìm tàu xả dầu, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Chùm vệ tinh nhỏ Việt Nam cũng sẽ tham gia và hội nhập mạng lưới vệ tinh quốc tế, để được chia sẻ dữ liệu đầy đủ.
Nhằm đảm bảo an ninh thông tin hàng hải riêng cho Việt Nam, Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam cũng đã tổ chức hội nghị khoa học quốc tế về "Hệ thống thông tin định vị trên biển vì sự nghiệp an ninh-quốc phòng và phát triển kinh tế biển Việt Nam" vào các năm 2007, 2009 và 2011.
Một số nhà khoa học cùng đã có các công trình ứng dụng thành công cho hệ thống thông tin biển bằng công nghệ mới. Tuy vậy, nếu được quan tâm đầu tư về tài chính, cơ sở hạ tầng thì sẽ sớm đạt hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý tàu thuyền và quản lý biển Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động công nghệ để hòa nhập với hệ thống thông tin trên biển, phục vụ tốt an ninh hàng hải và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Song để thống nhất quản lý tàu thuyền và biển, Việt Nam cần xây dựng Trung tâm quốc gia giám sát-quản lý tổng hợp thống nhất biển dựa trên các nền tảng như Trung tâm quản lý thông tin tàu thuyền hàng hải; Trung tâm quản lý tàu cá; Hệ thống vệ tinh quốc gia; Hệ thống thông tin giám sát biển, hàng hải khu vực ASEAN, Đông Á và thế giới./.