Tính đến ngày 12/2, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) mới thu xếp vốn cho 13 dự án với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng, 39 dự án ngân hàng đang xem xét hồ sơ cho vay vốn với tổng số tiền hơn 18.500 tỷ đồng, còn 14 dự án chưa có ngân hàng xem xét hồ sơ để cho vay vốn với số tiền vay khoảng trên 1.460 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2014, đơn vị này phải thu xếp hơn 38.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư cho 66 dự án.
Trở lại năm 2013, mặc dù NPT thu xếp được 16.440 tỷ đồng giá trị đầu tư xây dựng, lớn nhất từ trước đến nay, nhưng cả năm, Tổng Công ty này cũng chỉ khởi công được 37/47 công trình được phê duyệt.
NPT cho biết vốn là điều kiện tiên quyết có vai trò quyết định đến việc đảm bảo tiến độ dự án. Năm 2013, NPT không hoàn thành kế hoạch đóng điện, khởi công một số dự án truyền tải điện có nguyên nhân rất lớn do thiếu vốn. Trong số đó có nguyên nhân giá truyền tải điện đang ở mức quá thấp (hiện chỉ đạt 83,3 đồng/kWh), khiến tình hình thu xếp vốn của NPT càng khó khăn hơn.
Theo quy định, giá truyền tải điện dựa trên nguyên tắc đảm bảo thu hồi đủ chi phí hợp lệ và có lợi nhuận cho phép để vận hành lưới điện đạt chất lượng đồng thời đáp ứng các chỉ tiêu tài chính cho đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện.
Tuy nhiên, hiện nay, vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải hàng năm rất lớn, trong khi nguồn thu chính của NPT là phí truyền tải điện và kế hoạch tài chính được xây dựng chủ yếu thông qua chi phí truyền tải điện cũng như tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, giá truyền tải điện hiện nay được phê duyệt chỉ chiếm 5,5% giá bán điện bình quân nên doanh thu chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất (chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá).
Theo NPT, trong nhiều năm qua, đơn vị này hầu như không có lợi nhuận hoặc có lợi nhuận cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,5% tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ; trong đó, năm 2012 lợi nhuận chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, năm 2013 đạt 124 tỷ đồng. Vì vậy, nguồn vốn khấu hao tài sản cố định hiện chỉ đủ trả nợ gốc và lãi vay. Mặc dù hiện nay, chỉ tiêu tài chính của NPT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu các tổ chức tài trợ vốn nhưng việc vay vốn vẫn rất phức tạp và mất nhiều thời gian, giải pháp bền vững nhất chỉ có cách tăng giá truyền tải điện.
Hiện EVN đã có tờ trình Bộ Công Thương đề nghị nâng giá truyền tải từ 83,3 đồng/kWh lên 86,4 đồng/kWh. Kể cả khi đề xuất được chấp thuận, doanh thu của NPT cũng chỉ tăng khoảng trên 300 tỷ đồng/năm, chưa giải quyết được khó khăn. Bởi lẽ, hiện nay bản thân giá điện cũng chưa theo kịp thị trường, giá truyền tải lại chưa theo kịp giá điện.
Theo tính toán, nếu cơ cấu giá điện thay đổi, giá truyền tải đạt trên 100 đồng/kWh (chiếm 8-10% trong cơ cấu giá điện, ở các nước trong khu vực, con số này là 10-12%) thì mới giải được bài toán vốn cho các dự án truyền tải điện.
Trước đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo EVN không được để thiếu điện từ năm 2014 trở đi. Một trong những giải pháp được Phó Thủ tướng đề cập đến là tập trung vào các dự án cấp bách; trong đó, phải dồn vốn đầu tư cho truyền tải, không thể để thiếu vốn và coi đó là bước đột phá trong đầu tư lưới điện truyền tải.
Ngày 17/2, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có văn bản số 11/VBKN-VEA gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách. Tại văn bản này, VEA cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện giai đoạn 2011-2030 ước khoảng gần 124 tỷ USD, tức là nhu cầu vốn đầu tư cần huy động giai đoạn 2010-2025 cho các dự án điện, trung bình hàng năm sẽ không dưới 5-6 tỷ USD.
Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi cho biết việc thiếu vốn tự tích lũy làm cho EVN không đạt tỷ lệ tự đầu tư là 25%, nghĩa là EVN không đủ vốn đối ứng để vay cho nhiều dự án theo yêu cầu của các tổ chức cho vay như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng như nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Viết Ngãi, trong số 50 dự án được khởi công mới trong năm 2013 của NPT, đến nay, Tổng công ty mới thu xếp được vốn cho 20 dự án; 30 dự án còn lại đang tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế như ADB, KFW, NEXI và các ngân hàng thương mại trong nước. Tuy nhiên, việc thu xếp vốn vẫn đang trong quá trình thẩm định dự án, trình duyệt nội bộ các tổ chức tín dụng. Một số dự án vay vốn trong nước đang chờ ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được cấp vượt giới hạn tín dụng đối với NPT nên chưa ký được hợp đồng tín dụng chính thức.
“Hàng năm NPT cần hàng tỷ USD cho việc đầu tư phát triển nhưng việc thu xếp vốn đang hết sức khó khăn," ông Ngãi bày tỏ.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2014-2020, NPT phải hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 267 dự án với tổng mức đầu tư là 165.000 tỷ đồng.
Hiện NPT đang kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành lộ trình giá truyền tải điện giai đoạn 2013-2015 và công bố chi phí truyền tải điện, tạo điều kiện cho NPT có kế hoạch thu xếp vốn, chủ động trong điều hành sản xuất kinh doanh và đáp ứng được các chỉ tiêu tài chính theo quy định. Đây cũng chính là biện pháp tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước cho đầu tư và phát triển lưới điện truyền tải./.