Thịt "nuôi cấy" - tương lai của ngành công nghiệp chăn nuôi?

Hải sản và thịt dưới dạng "nuôi cấy" là các dạng protein thực sự được nuôi trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng tế bào gốc, thay vì cá đánh bắt từ biển hay gia súc nuôi trong trang trại.
Thịt "nuôi cấy" - tương lai của ngành công nghiệp chăn nuôi? ảnh 1Miếng philê cá được in 3D. (Nguồn: The National)

Theo CNN, Steakholder Foods, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Israel, đã sản xuất miếng một miếng philê cá được in 3D, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành thực phẩm.

Arik Kaufman, Giám đốc điều hành của Steakholder Foods, cho biết công ty đã hợp tác với Umami Meats, có trụ sở tại Singapore để tạo ra miếng philê cá mú trên.

Mihir Pershad, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Umami Meats cho biết: “Trong lần nếm thử đầu tiên này, chúng tôi đã giới thiệu một sản phẩm được ‘nuôi cấy,’ nhưng có vảy, và có vị giống hệt một miếng cá."

Hải sản và thịt dưới dạng "nuôi cấy" là các dạng protein thực sự được nuôi trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng tế bào gốc, thay vì cá đánh bắt từ biển hay gia súc nuôi trong trang trại.

Ngành công nghiệp không giết mổ này được thành lập nhằm mục đích cho ra đời những sản phẩm có hương vị tương đương với thịt cá thông thường, nhưng không gây ra những chi phí truyền thống khác cho cả động vật và môi trường.

“Chúng ta vẫn đang ăn và tiêu thụ thịt theo cách mà chúng ta đã tiêu thụ từ hàng ngàn năm trước,” Kaufman nói với CNN, “vì vậy chúng tôi quyết định thử một cách tiếp cận mới để sáng tạo lại các tạo ra thịt.”

Thịt được làm như thế nào

Trước khi phát triển món philê cá, Steakholder Foods chủ yếu tập trung vào món ăn cùng tên với nó: bíttết.

Theo Orit Goldman, phó chủ tịch phụ trách bộ phận công nghệ sinh học của Steakholder Foods, quá trình nuôi cấy thịt được bắt đầu bằng cách lấy tế bào gốc từ động vật và nuôi cấy trong lò phản ứng sinh học.

[Singapore: Thịt nuôi cấy là giải pháp đảm bảo an ninh lương thực]

Các tế bào biệt hóa thành tế bào cơ hoặc tế bào mỡ, cuối cùng hình thành các mô và từ đó sẽ trở thành sản phẩm thịt cuối cùng.

Các tế bào cơ và mỡ đã biệt hóa sau đó được biến thành một dạng mực sinh học (một công thức liên kết các tế bào) và được đặt vào hộp mực trong máy in 3D. Quy trình in cho phép người tiêu dùng tùy chỉnh lựa chọn thành phần chất béo trong miếng thịt của họ.

“Bí mật của chúng tôi nằm ở công nghệ in ấn,” Kaufman nói với CNN. Theo Kaufman, mặc dù hiện những miếng thịt bíttết được in 3D không đạt được hương vị và kết cấu chính xác như thịt thật, anh tự tin rằng chúng sẽ đạt được yếu tố đó trong vòng một thập kỷ tới.

Israel, nơi đặt trụ sở của Steakholder Foods, được công nhận là quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp thay thế thịt - và thậm chí còn là quê hương của công ty đầu tiên tiên hành nuôi cấy thịt trong không gian.

Vào tháng 10/2021, chính phủ Israel đã thành lập một tập đoàn các công ty nghiên cứu nuôi cấy thịt nhân tạo, với khoản hỗ trợ lên đến 18 triệu USD.

Liz Specht, phó chủ tịch khoa học và công nghệ tại Viện Thực phẩm Tốt (GFI), một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận tập trung vào phát triển protein thay thế, cho biết: “Chúng ta đang tạo ra một thứ giống với thịt động vật về mặt cơ bản, nhưng không phát triển các bộ phận khác của con vật.”

Theo ước tính của Liên hợp quốc, gần 90% quần thể cá biển toàn cầu đang bị đánh bắt quá mức hoặc cạn kiệt. Đối với thịt, việc chăn nuôi gia súc tạo ra gần 15% tổng lượng khí thải nhà kính.

Theo báo cáo năm 2022 của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể giúp giảm lượng khí thải đó nhờ giảm sử dụng đất, nước và chất dinh dưỡng - mặc dù một nghiên cứu gần đây của Đại học California, Davis đã đưa ra cảnh báo về chi phí môi trường do việc mở rộng quy mô nuôi cấy thịt theo các quy trình hiện tay.

Tiến bộ và rào cản pháp lý

Ngành công nghiệp thịt và hải sản nuôi cấy tương đối mới trong bối cảnh công nghệ protein thay thế đang trở lên phổ biến hơn, bao gồm những sản phẩm dựa trên thực vật khá nổi tiếng như Beyond Meat và Impossible Foods.

Thịt "nuôi cấy" - tương lai của ngành công nghiệp chăn nuôi? ảnh 2Nhà hàng ở Singapore phục vụ món gà được làm từ thịt không động vật do Eat Just Inc sản xuất. (Nguồn: stonepierpress.org)

Những công nghệ từ công trình nghiên cứu của NASA vào năm 2006 đã bùng nổ trong hơn một thập kỷ qua, với sự nổi lên của hơn 150 công ty trên khắp thế giới để phát triển tất cả các thực phẩm dạng nuôi cấy nhân tạo, từ gà viên cho đến que cá.

Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã tuyên bố thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm của Good Meat đã đủ an toàn để ăn, đánh dấu cái gật đầu thứ hai của FDA dành cho các sản phẩm thịt nuôi trồng.

Nhưng người tiêu dùng vẫn phải vượt qua nhiều rào cản pháp lý mới có thể tiếp cận những sản phẩm này. Tại thời điểm bài viết này được đăng tải, Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới có bán các sản phẩm thịt nuôi cấy nhân tạo.

Cũng giống như những ý tưởng mới mẻ khác, ngành công nghiệp này sẽ phải đối mặt với sự do dự từ công chúng. David Block, giáo sư chính tại Hiệp hội thịt nuôi cấy của UC Davis ở California, Mỹ cho biết.

Ông cho rằng việc đạt được sự chấp nhận của người tiêu dùng sẽ là một thử thách lớn đối với ngành này, và các công ty sẽ phải thực sự suy nghĩ về những gì họ đã làm khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường, bao gồm điều chỉnh các sản phẩm có hương vị thơm ngon hơn, bổ dưỡng hơn và có thời hạn sử dụng lâu hơn.

Block nói với CNN: “Có một cách là tạo ra các sản phẩm lai, một thứ gì đó kết hợp giữa thịt được nuôi cấy và thịt làm từ thực vật hoặc thịt thông thường.”

Liệu mọi giống loài cuối cùng sẽ có một đối tác nuôi cấy? Block không nghĩ như vậy. Nhưng những gì chúng ta có thể thấy trong tương lai, có lẽ là các sản phẩm thịt và hải sản có sẵn sẽ nhiều hơn trên khắp thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.