Ngày 11/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này đã chính thức đề nghị Hy Lạp trong tháng này nối lại cuộc đàm phán về các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi giữa hai nước ở Địa Trung Hải cũng như các vấn tồn đọng khác.
Phát biểu cùng với người đồng cấp Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Tahsin Ertugruloglu tại Ankara, Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh, Hy Lạp trước đó phát tín hiệu cho biết có thể nối lại cuộc đàm phán vào ngày 11/1, nhưng chưa có động thái cụ thể nào. Ông Cavusoglu cũng cho rằng Athens "không có lý do gì" để không nối lại cuộc đàm phán.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết chưa nhận được lời mời, tuy nhiên nước này sẵn sàng nối lại đàm phán, trong đó bao gồm cả vấn đề thềm lục địa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hy Lạp Alexandros Papaioannou nêu rõ: "Hy Lạp đã bày tỏ ý định hưởng ứng bất kỳ lời mời nào từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, phù hợp với luật pháp quốc tế, về vấn đề phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa."
[Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp sẵn sàng khởi động đàm phán về tranh chấp trên biển]
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) nên là một "trung gian hòa giải công bằng" cho tranh cãi giữa nước này với Hy Lạp liên quan đến các nguồn tài nguyên dưới biển.
Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lâu nay tồn tại mâu thuẫn về vấn đề lãnh hải ở Đông Địa Trung Hải. Căng thẳng giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) thời gian qua đã leo thang với nhiều hoạt động quân sự trên biển sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải vào tháng Tám.
NATO đã thiết lập một cơ chế giảm xung đột để tránh nguy cơ xảy ra những xung đột quân sự đáng tiếc giữa các bên. Đức cũng thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao thiện chí với Ankara, nhưng không hiệu quả.
Trong khi đó, một số thành viên EU, trong đó có Pháp và Hy Lạp, đang kêu gọi các biện pháp mạnh hơn. Tuy nhiên, nhiều nước khác lo ngại căng thẳng gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vượt Địa Trung Hải đổ về châu Âu./.