Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ngày 30/1 nước này đã mở lại Đại sứ quán tại Libya, sau 2 năm rưỡi đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao này do tình hình an ninh.
Thông báo nêu rõ: "Việc mở lại Đại sứ quán sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có những đóng góp mạnh mẽ hơn cho những nỗ lực xây dựng hòa bình và ổn định cũng như công cuộc tái thiết ở Libya... Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc của Libya."
Nhiều nước khác cũng đã bắt đầu mở lại các phái bộ ngoại giao tại Libya. Hồi đầu tháng, Italy đã mở lại Đại sứ quán tại nước Bắc Phi này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Tripoli vào năm 2014 trong bối cảnh diễn ra xung đột giữa các phe cánh đối địch tại Libya 3 năm sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ. Trong thời gian sứ quán đóng cửa, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đặt trụ sở tại Tunisia, trong khi lãnh sự quán ở thành phố Misrata vẫn hoạt động bình thường.
Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị giữa các chính quyền đối địch bất chấp việc các bên đã ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hồi tháng 12/2015.
Theo thỏa thuận này, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Serraj đã được thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tripoli từ ngày 30/3/2016. Mặc dù vậy, cho đến nay GNA vẫn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong bối cảnh quốc hội do dân bầu hiện đang đóng tại Tobruk, miền Đông Libya, vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này trong khi chính quyền tự xưng ở Tripoli không từ bỏ quyền lực./.