Thổ Nhĩ Kỳ: Việc chuyển giao khẩu đội tên lửa S-400 thứ 2 đã hoàn tất

Việc chuyển giao khẩu đội thứ 2 của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã hoàn tất ngày 15/9, đồng thời Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ hệ thống này sẽ đưa vào trực chiến từ tháng 4/2020.
Máy bay vận tải Antonov của Nga chở các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hạ cánh xuống căn cứ không quân ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Máy bay vận tải Antonov của Nga chở các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hạ cánh xuống căn cứ không quân ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/9 cho biết việc chuyển giao khẩu đội thứ 2 của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã hoàn tất cùng ngày, đồng thời tiết lộ hệ thống này sẽ đưa vào trực chiến từ tháng 4/2020.

Các thiết bị đầu tiên của hệ thống S-400, mà Mỹ cho là không tương thích với hoạt động phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã được chuyển giao cho Ankara hồi tháng Bảy vừa qua, bất chấp những cảnh báo về khả năng Washington áp đặt trừng phạt do thương vụ mua vũ khí này.

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, đã ký hợp đồng mua 4 hệ thống phòng không S-400 của Nga, trị giá 2,5 tỷ USD.

[Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc mua thêm hệ thống phòng không S-400 của Nga]

Khẩu đội tên lửa S-400 đầu tiên đã được Nga chuyển giao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng Bảy vừa qua. Khẩu đội tên lửa thứ hai cũng bắt đầu được chuyển từ ngày 27/8 vừa qua.

Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ triển khai hệ thống S-400 trực chiến từ mùa Xuân 2020 sau khi hoàn tất công tác lắp đặt và huấn luyện sử dụng.

Mỹ đã kịch liệt chỉ trích thương vụ khí tài quân sự này của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chính thức loại Ankara ra khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của NATO.

Chính phủ Mỹ đồng thời để ngỏ khả năng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thương vụ trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.