Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc gia Nga Kirill Dmitriev ngày 13/4 nhận định thỏa thuận giảm sản lượng dầu toàn cầu mà OPEC+ đạt được cuối tuần qua sẽ giúp lập lại sàn giá dầu thế giới và cứu hàng triệu việc làm tại Mỹ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, ông Dmitriev cho biết: "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần trước."
Theo ông, Tổng thống Trump đã giúp làm trung gian cho thỏa thuận vừa đạt được. Mỹ đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng để hối thúc Mexico làm tương tự, qua đó giúp cứu thỏa thuận của OPEC+ sau bốn ngày đàm phán khó khăn.
Ông Kmitriev, cũng là thành viên nhóm đàm phán của Nga, bày tỏ tin tưởng rằng thỏa thuận của OPEC+ sẽ giúp cứu hơn 2 triệu việc làm tại Mỹ. Ông khẳng định: "Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta phối hợp với nhau vì điều tốt nhất cho cả hai nước."
[Tổng thống Nga-Mỹ điện đàm về thị trường dầu mỏ và diễn biến COVID-19]
Trước đó, ngày 12/4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác sản xuất dầu khác, trong đó có Nga, đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục, 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bùng phát ở khắp nơi trên thế giới.
Mức giảm trên sẽ được thực hiện trong thời gian tháng Năm và Sáu. Đây là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay và các nước OPEC+ cũng sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong hai năm, cho đến tháng 4/2022.
Ngoài ra, OPEC+ bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất ngoài nhóm như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cắt giảm thêm 5%, tương đương 5 triệu thùng dầu/ngày.
Nhận định về thỏa thuận trên, ông Dmitriev cho biết nếu các nước OPEC+ không thể nhất trí, giá dầu có thể giảm xuống dưới ngưỡng 10USD/thùng so với mức 30USD/thùng hiện nay.
Theo nguồn tin Bộ Dầu mỏ Nga, sản lượng dầu của nước này đã bắt đầu giảm từ mức 11,29 triệu thùng/ngày trong tháng Ba xuống còn 11,24 triệu thùng/ngày.
Các nghĩa vụ của Nga theo thỏa thuận là cắt giảm sản lượng xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày, tức là xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003./.