Thỏa thuận NAFTA hồi sinh với tấm áo mới mang tên USMCA

Sức ép lớn sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận song phương về nội dung NAFTA nâng cấp cũng buộc Mỹ và Canada phải nỗ lực tối đa và cùng thỏa hiệp.
Thỏa thuận NAFTA hồi sinh với tấm áo mới mang tên USMCA ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Mexico Idelfonso Guajardo (trái), Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại cuộc họp báo trong vòng tái đàm phán NAFTA ở Mexico City ngày 5/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau hai ngày đàm phán "nước rút," Mỹ và Canada cuối cùng đã đạt được thỏa thuận giúp duy trì Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn là một thỏa thuận 3 bên, thay vì bị chia lẻ thành những thỏa thuận song phương như lo ngại.

Thỏa thuận đạt được ngay trước thời hạn chót đã chứng kiến sự nhượng bộ đáng kể từ các bên trong nhiều vấn đề gây trở ngại suốt hơn một năm đàm phán, và là kết quả của pha bứt tốc kỳ diệu, giúp NAFTA hồi sinh với tấm áo mới mang tên Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Sức ép lớn sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận song phương về nội dung NAFTA nâng cấp cũng buộc Mỹ và Canada phải nỗ lực tối đa và cùng thỏa hiệp.

Thỏa thuận mới cho phép duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại mà Canada coi là một biện pháp phòng vệ chống lại các chính sách thương mại bảo hộ, giúp bảo vệ nền kinh tế đất nước nếu Mỹ áp đặt các rào cản thương mại hoặc thuế quan.

[Canada và Mỹ nới lỏng thị trường sữa và chính sách thuế ôtô]

Nói cách khác, cơ chế này là một cách để Canada cân bằng các rủi ro và lợi ích trong thương mại với Mỹ.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao gồm yêu cầu về bảo vệ nét đặc trưng văn hóa của Canada.

Tuy nhiên, "cái giá" của những nhượng bộ từ phía Mỹ là Canada đồng ý cho phép các nhà sản xuất và nông dân Mỹ tiếp cận khoảng 3,5% thị trường sữa Canada trị giá 16 tỷ USD/năm.

Đây vốn là yêu cầu chủ chốt của Mỹ bởi Tổng thống Trump từng gọi NAFTA là sai lầm nghiêm trọngkhi nó gây thiệt hại cho những nông dân chăn nuôi bò sữa của Mỹ.

Trước đó, hệ thống bảo vệ ngành sữa tại Canada ra đời từ những năm 1970, cho phép Canada áp mức thuế lên tới 275%, khiến các nhà sản xuất nước ngoài đều "chào thua" khi có ý định thâm nhập vào thị trường này.

Ở một điều khoản khác, Canada đã nhất trí áp đặt hạn ngạch xuất khẩu ô tô sang Mỹ trong trường hợp Washington áp mức thuế nhập khẩu ô tô toàn cầu vì lý do an ninh quốc gia.

Cụ thể, Canada nhất trí với mức hạn ngạch 2,6 triệu phương tiện xuất sang Mỹ mỗi năm trong trường hợp Mỹ áp mức thuế nhập khẩu ôtô toàn cầu 25%. So với mức sản xuất hiện tại đang ở ngưỡng 2 triệu phương tiện thì hạn ngạch này là được cho là "thoải mái" để ngành công nghiệp ôtô của Canada tiếp tục phát triển trong thị trường phi thuế quan khu vực.

Cùng với các điều khoản khác liên quan tới xuất xứ và vật liệu mà Washington và Mexico City đã ký kết hồi tháng Tám, USMCA hoàn chỉnh được kỳ vọng giúp các quốc gia trong khu vực tránh được thuế ôtô đồng thời khiến các nhà sản xuất ôtô nước ngoài khó tiếp cận Mexico làm địa điểm sản xuất ôtô giá rẻ và từ đó mang lại nhiều việc làm hơn cho người lao động Mỹ.

Có thể thấy cả Mỹ và Canada đều có những nhượng bộ nhất định để đi đến thỏa thuận mà cả hai tin rằng có thể bảo vệ được lợi ích của người dân mỗi nước. Thỏa thuận ngay lập tức nhận được những phản ứng tích cực từ các bên liên quan.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố "đây là một ngày tốt lành với Canada," bởi thỏa thuận sửa đổi NAFTA tránh cho nước này bị loại khỏi cuộc chơi và đối mặt với một mức thuế xuất khẩu ôtô vào Mỹ lên tới 25%.

Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray hoan nghênh thỏa thuận này đánh dấu "đêm tốt lành với Mexico và Bắc Mỹ."

Đại diện của Tổng thống đắc cử Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho rằng thỏa thuận đã đập tan mọi hoài nghi về thương mại khu vực nói chung và giúp thương mại Mexico nói riêng trở nên ổn định và chắc chắn hơn.

Kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu hơn 1 năm trước, Canada và Mexico từng nhiều lần phải đối mặt với những lời đe dọa cứng rắn của Mỹ về khả năng hủy bỏ NAFTA, do vậy thỏa thuận cuối cùng đã "giải tỏa" những lo lắng vốn hiện hữu ở cả hai quốc gia này về khả năng chuỗi cung ứng khu vực sẽ bị phá vỡ vì những thỏa thuận song phương mới.

Với Mỹ, thỏa thuận là một chiến thắng quan trọng củng cố vị thế của chính quyền đương nhiệm trong thời khắc then chốt khi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ đang cận kề.

Nó như một "tấm vé đảm bảo" cho thấy hiệu quả của chiến lược thương mại mà Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi trong khu vực, hứa hẹn sẽ lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri đối với đảng Cộng hòa. Mục tiêu tối cao của ông Trump khi yêu cầu đàm phán sửa đổi NAFTA là cắt giảm thâm hụt thương mại Mỹ và thực thi chủ trương "Nước Mỹ trước tiên."

Việc bảo toàn được NAFTA cũng giúp Tổng thống Trump tránh được sự phản đối từ quốc hội Mỹ, vốn sẽ không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận thương mại nào không có đủ ba thành viên khu vực là Mỹ, Canada và Mexico.

Giới chuyên gia nhận định nếu loại bỏ một trong ba thành viên thì thỏa thuận này sẽ bị phá vỡ và đó sẽ là một tin xấu đối với giới kinh doanh Mỹ, cho việc làm của người Mỹ và sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Với thị trường toàn cầu, thỏa thuận của Mỹ và Canada đã cho thấy một lòng tin chắc chắn hơn về số phận của NAFTA.

Thị trường tài chính vốn khá ảm đảm trong nhiều tháng qua do những lo ngại về thiệt hại kinh tế có thể xảy ra nếu NAFTA sụp đổ, nay bỗng bừng sáng trở lại.

Các chỉ số chứng khoán điện tử tương lai trên thị trường Mỹ nhất loạt tăng điểm và hứa hẹn sẽ đạt các mốc kỷ lục trong phiên giao dịch đầu ngày 1/10.

Giá trị đồng CAD so với đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5 trong khi giá trị đồng peso Mexico so với USD cũng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng Tám.

Chuyên gia Yukio Ishizuki thuộc công ty chứng khoán Daiwa nhận định dù các thị trường vẫn tin rằng cuối cùng các bên sẽ đạt thỏa thuận, nhưng chỉ khi thỏa thuận thực sự hiện diện thì các nhà đầu tư mới cởi bỏ mọi tâm lý lo lắng. Điều quan trọng là thỏa thuận giúp lòng tin vào nền kinh tế Mỹ được cải thiện, từ đó xoa dịu những lo lắng về các nguy cơ.

Giống như một cái kết có hậu cho hơn một năm đàm phán đầy chông gai và có lúc tưởng chừng đổ vỡ, sự ra đời của USMCA không chỉ vực dậy lòng tin của thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, mà còn mang lại hy vọng về một tương lai rõ ràng hơn cho nền kinh tế khu vực Bắc Mỹ.

Như trong tuyên bố chung, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định USMCA sẽ giúp tạo ra những thị trường tự do hơn, công bằng hơn và kích thích phát triển kinh tế trong khu vực.

Dự thảo thỏa thuận sẽ phải được trình lên cơ quan lập pháp của các quốc gia để xem xét thông qua trước khi được các nhà lãnh đạo ký ban hành. Có thể quá trình thông qua tại từng nước vẫn sẽ gặp khó khăn, nhưng về cơ bản đây cũng đã là một khởi đầu duy trì sự ổn định cho vùng kinh tế của hơn 570 triệu dân với tổng giá trị trao đổi thương mại hơn 1.200 tỷ USD này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.