Thời tiết đang 'tạo đà' cho sinh vật gây hại cho vụ lúa Đông Xuân

Từ nay đến giữa tháng 5, các trà lúa chính sẽ bước vào giai đoạn trỗ bông, phơi màu. Đây là giai đoạn mẫn cảm của cây lúa với sinh vật gây hại nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.
Tại một số địa phương khu vực phía bắc đã xuất hiện sâu bệnh trên lúa. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Tại một số địa phương khu vực phía bắc đã xuất hiện sâu bệnh trên lúa. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Ở vùng Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, bệnh đạo ôn lá sẽ bùng phát và gây hại nặng trên giống nhiễm từ đầu đến giữa tháng 4 và là nguồn bệnh gây hại trên cổ bông cho các trà lúa trỗ trong tháng 4 đến trung tuần tháng 5.

Thông tin trên được phía Cục Bảo vệ thực vật đưa ra tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng trong vụ Đông Xuân tại các tỉnh, thành phố phía Bắc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 7/4.

Vẫn theo dự từ Cục Bảo vệ thực vật, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 gây hại chính ở vụ Đông Xuân sẽ gây hại trên diện rộng với mật độ cao ở nhiều tỉnh, nhất ở các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng từ giữa đến cuối tháng 4. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 sẽ phát sinh và gây hại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.

Bên cạnh đó, thời tiết vụ Đông Xuân 2019-2020 đang có những diễn biến phức tạp. Thời gian tới có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài... Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát trong vụ Đông Xuân, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, thậm chí là bệnh bạc lá.

[Chủ động các giải pháp bảo vệ lúa Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc]

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra và các cơ quan chủ động chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại lúa Đông Xuân.

Theo đó, vùng Bắc Trung Bộ tập trung chỉ đạo phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên trà lúa trỗ từ 05/4 đến 20/4/2020, đặc biệt tại Hà Tĩnh, Nghệ An; phòng trừ rầy cuối vụ tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc tiếp tục chỉ đạo phòng chống bệnh đạo ôn lá; kết hợp chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ giữa đến cuối tháng 4, nhất là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng; và phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 để bảo vệ năng suất lúa.

Các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên trung ương theo quy định để phối hợp, chỉ đạo kịp thời.

Ngoài ra, hệ thống thanh tra chuyên ngành thanh kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng chống dịch để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng...

Ông Cường cũng nhấn mạnh các tỉnh, thành và các cơ quan liên quan tập trung theo dõi các loại sinh vật gây hại chủ yếu trên các cây trồng khác (như sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh khảm lá sắn, châu chấu tre lưng vàng, châu chấu sa mạc…), xử lý ngay khi mới xuất hiện, không để phát triển thành dịch.

Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) có trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân, trong đó vùng Bắc Trung Bộ có khoảng 351.000 ha, vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc có khoảng 755.000 ha.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục