Thời tiết thuận lợi, diêm dân Bạc Liêu được mùa, trúng giá

Tính đến giữa tháng Năm này, diêm dân tỉnh Bạc Liêu cơ bản kết thúc vụ muối năm 2018-2019 với một vụ mùa bội thu về năng suất, giá cả; ước tính bình quân có lãi từ 40-50 triệu đồng/ha/vụ.
Diêm dân huyện Ninh Hải thu hoạch muối. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Diêm dân huyện Ninh Hải thu hoạch muối. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tính đến giữa tháng Năm này, diêm dân tỉnh Bạc Liêu cơ bản kết thúc vụ muối năm 2018-2019 với một vụ mùa bội thu về năng suất, giá cả; ước tính bình quân có lãi từ 40-50 triệu đồng/ha/vụ.

Theo diêm dân Bạc Liêu, thời tiết năm nay thuận lợi, nắng kéo dài, độ nóng cao là điều kiện tốt nhất cho sản xuất muối. Hơn nữa, tỉnh đã cơ bản quy hoạch lại diện tích sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật,… cộng thêm giá muối tăng mạnh, giúp diêm dân có một vụ mùa bội thu.

Đáng mừng hơn cả, giá muối thương phẩm vụ này có thời điểm lên đến 2.100 đồng/kg đối với muối trắng và 1.200 đồng/kg đối với muối đen-cao gấp 3-4 lần so với vụ muối những năm gần đây.

Ông Trương Văn Dũng, diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải, phấn khởi khoe nhờ thuận mùa, được giá, vụ này ước tính trung bình 1.000m2 muối trải bạt cho năng suất khoảng 70 tấn/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ.

Vụ muối 2018-2019, diêm dân Bạc Liêu đưa vào sản xuất 1.670ha muối; trong đó, muối trải bạt hơn 72ha, sản lượng thu hoạch hơn 45.000 tấn với muối trắng khoảng 4.700 tấn.

[Diêm dân Ninh Thuận phấn khởi vì muối được mùa, được giá]

Mặc dù giá muối hiện tăng mạnh so với trước nhưng Bạc Liêu tiếp tục khống chế diện tích sản xuất; đồng thời khuyến khích diêm dân chuyển một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, ổn định như thủy sản, Artemia...

Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu, cho biết giá muối không phải lúc nào cũng cao, trong khi Bạc Liêu có diện tích sản xuất lớn nhất nước. Khi muối bán không được, đời sống diêm dân vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, về lâu dài, tỉnh không mở rộng diện tích sản xuất để giảm dần diện tích sản xuất, giúp người dân có cuộc sống ổn định bằng nghề.

Bạc Liêu quy hoạch đến năm 2020 sẽ chuyển đổi khoảng 500ha làm muối kém hiệu quả sang nuôi Artemia. Cùng đó, tỉnh khuyến khích diêm dân chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen truyền thống sang muối trắng trải bạt.

Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước với 1.700ha với sản lượng hàng năm hơn 100.000 tấn, muối Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, đầu ra hạt muối Bạc Liêu gặp khó do giá xuống thấp, không nơi tiêu thụ, khiến hàng trăm hộ lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Nhiều diêm dân đã quyết định chia tay nghề muối dù gắn bó nhiều đời qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.