Các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất trong bức tranh nguy cơ toàn cầu năm 2016, trong đó lĩnh vực thời trang cao cấp cũng là một “nạn nhân."
Chính bởi sự phụ thuộc vào các loại nguyên liệu thô, ngành công nghiệp thời trang đã bắt đầu cảm nhận được những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu và môi trường - nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh gián đoạn và chi phí đội lên.
Đó cũng là kết quả của một báo cáo do công ty tư vấn Verisk Maplecroft (Anh) phối hợp thực hiện cùng Kering, “người khổng lồ” hàng hiệu Pháp sở hữu nhiều thương hiệu đình đám như Alexander McQueen, Gucci và Saint Laurent Paris.
Các chuyên gia cảnh báo sáu loại chất liệu là da bò, da cừu, tơ lụa, lông lạc đà Vicuña, len cashmere và bông sợi cao cấp đang có nguy cơ “tuyệt chủng."
Bên cạnh những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra như hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, các công ty thời trang cao cấp với quy mô lớn trên thế giới còn gặp phải nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu và thách thức xuất phát từ thay đổi quan điểm của người tiêu dùng.
Báo cáo trên chỉ ra rằng lĩnh vực xa xỉ phẩm đặc biệt “nhạy cảm" với biến đổi khí hậu bởi sự phụ thuộc vào nguyên liệu chất lượng cao, mà những nguyên liệu cao cấp này gắn bó chặt chẽ đến môi trường tự nhiên.
Cụ thể, hạn hán, khan hiếm nguồn nước và nhiệt độ ấm lên sẽ tác động đến sản lượng bông cũng như da bò, da cừu; hay hạn chế về nguồn nước cũng sẽ làm suy giảm nguồn cung len cashmere và lông lạc đà Vicuña - hai trong các loại chất liệu đắt đỏ nhất thế giới.
Mặt khác, ngành công nghiệp thời trang là ngành tiêu thụ nhiều nước nhất, với các loại hóa chất xếp thứ hai.
Đã có rất nhiều báo cáo về mức độ ô nhiễm về môi trường, mà trong đó thời trang là một trong những nguồn phát sinh chính.
Người "yêu" hàng hiệu giờ đây cân nhắc nhiều hơn tới môi trường cũng như hình ảnh của doanh nghiệp đối với vấn đề này, trước khi rút hầu bao.
Dưới áp lực của các tổ chức bảo vệ động vật và xu hướng các sản phẩm “xanh” lên ngôi, các công ty thời trang đang đầu tư phát triển giải pháp vật liệu nhân tạo thân thiện với môi trường thay thế cho các nguyên liệu khan hiếm kể trên.
Cuối năm 2015, Gucci - thương hiệu của những món đồ da sang trọng - đã cho ra mắt bộ sưu tập túi xách Dionysus mùa Thu – Đông.
Mặc dù vẫn gắn bó với họa tiết monogram trên nền vải canvas đặc trưng của thương hiệu, song Gucci đã sử dụng chất liệu chính là nhựa polyurethane thay cho nhựa PVC.
Đây được coi là một bước đi tiên phong trong những nỗ lực giảm thiểu những tác động đối với môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững.
Mặc dù chịu tác động không nhỏ bởi tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng ngành công nghiệp thời trang cao cấp lại có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong việc khuyến khích các công ty và người tiêu dùng hành động tích cực vì môi trường.
Việc các thương hiệu lớn đi tiên phong trong những nỗ lực bảo vệ môi trường cho thấy sự chuyển biến tích cực đối với tiến trình ứng phó trước hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp./.