Mỗi năm, người hâm mộ trên toàn thế giới chứng kiến hàng trăm bộ váy lộng lẫy xuất hiện trên thảm đỏ trong các lễ trao giải mang tính nghệ thuật, hàn lâm từ Oscar, Emmy hay Grammy cho đến những giải thưởng đình đám của MTV như Video Music Awards, Movie Awards.
Tưởng chừng như các giải thưởng này đều cần có những bộ váy cầu kỳ, lấp lánh, tuy nhiên mỗi giải thưởng đều có những chuẩn mực riêng về kiểu dáng cũng như phong cách.
Tất cả đều sẽ được đánh giá bởi “cảnh sát thời trang” - những chuyên gia về phong cách, những nhà phê bình thời trang nổi tiếng, biên tập viên của các tạp chí lớn, mọi thứ về chuẩn mực đều sẽ được đưa lên cân đo đong đếm cho từng thảm đỏ. Vì vậy, việc dành thời gian chuẩn bị cho sự xuất hiện tại mỗi lễ trao giải đều rất chu đáo và tỉ mỉ, từ khâu make-up, chọn phong cách, tìm được bộ đồ ưng ý đến khâu giữ gìn vóc dáng và sức khỏe.
Tất cả nhưng ngôi sao đều muốn tên mình được lọt vào tốp sao có bộ trang phục đẹp nhất trên thảm đỏ, vì thế việc chuẩn bị kĩ lưỡng là việc không thể bỏ qua. Đây cũng là dịp để các nhà mốt, các nhà thiết kế thể hiện tay nghề của mình để mang tới những thiết kế nổi bật nhất trên thảm đỏ, một cách quảng bá hình ảnh cực kỳ thông minh và hiệu quả.
Chỉ trong vài phút xuất hiện trên thảm đỏ, họ có thể tỏa sáng với những khoảnh khắc đi vào lịch sử hoặc ngay lập tức trở thành thảm họa, làm trò cười cho mọi người.
Với những giải thưởng mang tính hàn lâm cao như giải thưởng điện ảnh nổi tiếng Oscar và Emmy hay tại những liên hoan phim được tổ chức rầm rộ ở những thành phố lớn, chúng ta chứng kiến những bộ đầm cổ điển, được thiết kế tỉ mỉ, thường là những mẫu mới nhất từ các bộ sưu tập haute couture, các thiết kế trong bộ lưu trữ của các thương hiệu, hay như những bộ váy được thiết kế riêng theo yêu cầu của khách (hàng thửa).
Chủ yếu trong các lễ trao giải này, yêu cầu trang phục hầu hết là trang phục “white tie." Với khái niệm "white tie," khách mời nếu là nữ nhất thiết phải mang trên mình những bộ đầm dạ hội trang trọng, có độ dài chấm đất, đi kèm có trang sức, clutch cầm tay và những đôi giày bóng loáng.
Một trong những điều không thể thiếu đối với những người đẹp trong những sự kiện lớn này đó là trang sức cao cấp (high jewelery). Còn nam giới phải mặc tuxedo, với sơmi cổ cồn trắng, áo gilet màu trắng, có thể có mũ và nhất định là không thiếu được khăn vuông nhét túi ngực màu trắng.
Đó là đối với những sự kiện liên quan đến bộ môn nghệ thuật điện ảnh mang tính hàn lâm, chuyển sang một giải thưởng âm nhạc quyền lực khác thì yêu cầu trang phục cũng có chút thay đổi.
So với những giải thưởng hàn lâm thì dress code tại Grammy cũng có phần thoải mái và thường không nhất thiết nằm trong khuôn khổ.
Vẫn là các thiết kế cầu kỳ, những bộ đầm xòe rộng và to sụ với độ dài chấm đất, tuy nhiên thời trang tại Grammy có phần thoáng hơn, mang nhiều dấu ấn cá tính hơn, hay có thể là những trải nhiệm thời trang thú vị.
Tại các lễ trao giải do MTV tổ chức như Video Music Awards, Movie Awards thảm đỏ không giới hạn về kiểu dáng cũng như chẳng có yêu cầu gì về trang phục, nơi mà các ngôi sao tranh nhau thể hiện cá tính và gu thời trang của mình, trang phục thoải mái hơn, vui tươi hơn, mang tính thông dụng hơn để dễ tiếp cận với đối tượng là giới trẻ năng động, tư duy thoáng.
Chính vì thế những khách mời xuất hiện trên thảm đỏ của những sự kiện như thế này hiếm khi chọn trang phục dạ hội (evening gown) bởi họ sẽ dễ dàng "lạc điệu" với tinh thần chung của cả đêm tiệc. Nhưng cũng không vì vậy mà họ được phép thả lỏng một cách dễ dàng. Tinh thần của bộ trang phục phải thể hiện được cái tôi của họ, thật riêng biệt, không lẫn vào đâu được!/.