Thời trang Việt Nam: Nhà thiết kế đồng thời phải là nhà kinh doanh

Tầm vóc phát triển của ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam vẫn diễn ra rất chậm, thiếu sự đồng bộ và mang tính chất tự phát.
Thời trang Việt Nam: Nhà thiết kế đồng thời phải là nhà kinh doanh ảnh 1Trình diễn mẫu thời trang tại Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu-Đông 2015. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hội nghị Quốc tế về Công nghiệp Thời trang: Định hướng Xây dựng và Phát triển do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội và Trung tâm xúc tiến thương mại (HTPC) tổ chức vừa diễn ra sáng 18/4, tại khách sạn Daewoo, Hà Nội.

Tại Việt Nam, trong hơn chục năm qua, ngành công nghiệp thời trang - một trong những ngày công nghiệp sáng tạo đã có những sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, lĩnh vực dệt may và da giày đã có cơ hội đến với thị trường Mỹ, EU….

Hiện trong cả nước có hơn 2.000 doanh nghiệp kinh doanh may mặc, tổng hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 là 24 tỷ USD. Tuy vậy, tầm vóc phát triển của ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam vẫn diễn ra rất chậm, thiếu sự đồng bộ và mang tính chất tự phát.

Ngay trong thị trường nội địa, không có nhiều thương hiệu thời trang được người tiêu dùng quan tâm. Điều đó đòi hỏi phải nhìn lại tầm quan trọng của việc xây dựng nền công nghiệp thời trang Việt Nam gắn liền với xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo.

Do đó, nhận diện ngành công nghiệp thời trang Việt Nam nhìn từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong xu thế hội nhập, đưa vị thế thời trang Việt Nam trên thị trường quốc tế qua những thách thức và cơ hội là trọng tâm của Hội thảo lần này.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc sở Công thương Hà Nội cho biết, đây cũng là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng trong xúc tiến thương mại của thành phố nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thời trang của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

Tại buổi hội thảo, các nhà thiết kế - những người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang cũng tự nhận thấy vai trò của mình không còn chỉ dừng lại ở vị trí của một nhà thiết kế, sáng tạo các sản phẩm trên giấy, vải mà mỗi nhà thiết kế phải thực sự “dấn thân” như những nhà kinh doanh, có sự đầu tư phát triển mang tính chiến lược lâu dài cho thương hiệu thời trang của mình. Vì đích đến cuối cùng của các sản phẩm sáng tạo vẫn là sự đón nhận của thị trường.

Các nhà thiết kế mong muốn thị trường tiêu thụ các bộ sưu tập không chỉ giới hạn với những khách hàng nhỏ lẻ, mà sẽ đến được với nhiều đối tượng cũng như có cơ hội trình diễn trên các sân khấu thời trang trong và ngoài nước.

Thúc đẩy thị trường công nghiệp thời trang Việt Nam sẽ cần đến sự phát triển đồng bộ. Một trong những vấn đề cốt lõi là nguồn nhân lực (các nhà thiết kế). Đặc biệt, khi thị trường đang nhìn nhận thương hiệu thời trang qua các tên tuổi lớn.

Trưởng khoa thiết kế Học viện thời trang London, May Cortazzi cho biết, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, ngày càng có nhiều người trẻ chịu ảnh hưởng từ những chương trình truyền hình về thời trang, âm nhạc, nghệ thuật cũng như phong cách sống mang tính quốc tế.

“Vì thế, trong vai trò là giảng viên, chúng tôi luôn chia sẻ những kinh nghiệm và tình yêu đối với ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam đến cách sinh viên, phát triển những cách thức mới cho sinh viên để khởi nghiệp thành công không chỉ trong ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam mà còn trên quy mô quốc tế,” giảng viên May Cortazzi chia sẻ.

Trong khi đó, ông Riccardo Bianco Levrin, chủ thương hiệu thời trang Bianco Levrin Riccardo cho rằng để phát triển một ngành công nghiệp thời trang bền vững, các công ty Việt Nam đang có những cơ hội thú vị để có thể tiếp cận tốt hơn và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nơi đang ngày càng hướng đến các loại vật liệu tự nhiên và những sản phẩm cũng như thiết kế sáng tạo, thân thiện với môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục