Thông cáo chung Hội nghị Hợp tác các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia

TTXVN xin trân trọng toàn văn thông cáo chung của Hội nghị Hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam​-Campuchia lần thứ 9.
Thông cáo chung Hội nghị Hợp tác các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Samdech Sar Kheng tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trước hội nghị. (Ảnh: Trần Chí Hùng- Phan Minh Hưng-Danh Chanh Đa/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, chiều 15/3, tại thủ đô Phnom Penh, Hội nghị Hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam​-Campuchia lần thứ 9 đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Samdech Sar Kheng.

TTXVN xin trân trọng toàn văn thông cáo chung của hội nghị.

Thủ đô Phnom Penh, ngày 13-15/3

Thông cáo chung 

1- Thực hiện Thỏa thuận của Hội nghị về Hợp tác và Phát triển giữa các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 27-28/10/2015, Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 9 đã diễn ra từ ngày 13-15/3/2017 tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia dưới sự chủ trì của ngài Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và ngài Samdech Krolahom Sar Kheng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia cùng với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành quan liên quan của hai nước và lãnh đạo các tỉnh giáp biên giới Việt Nam-Campuchia. 

2- Hội nghị lần thứ 9 đã diễn ra suôn sẻ theo chương trình nghị sự và chương trình dự kiến trong bầu không khí hữu nghị, đoàn kết anh em và hiểu biết lẫn nhau.

Hai bên đã bày tỏ nhận thức chung về tầm quan trọng của mối quan hệ và hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia đã góp phần rất quan trọng trong việc củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng hơn.

Hai bên vui mừng và cùng bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia là hai nước láng giềng của nhau đồng thời nỗ lực xây dựng và duy trì bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và mang lại lợi ích cho dân tộc và nhân dân hai nước.

3- Hai bên đã đánh giá cao đối với việc trao đổi các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước kể từ Hội nghị lần thứ 8 đến nay, trong đó có:

- Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của Samdech Vibol Sena Phekdei Say Chhum, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia từ ngày 15-17/12/2015.

- Chuyến thăm hữu nghị thành phố Hà Nội, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Samdech Akkak Moha Ponhea Chakrey Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia từ ngày 5-6/01/2016 để tham gia chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam.

- Chuyến thăm của Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về khu vực Mekong, Hội nghị cấp cao về Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 7 và Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Mianma-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 tại thành phố Hà Nội từ ngày 24-26/10/2016; và thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-21/12/2016.

- Chuyến thăm cấp Nhà nước Campuchia của Ngài Trần Đại Quang, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 15-16/6/2016.

- Chuyến thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Campuchia của Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 27-28/9/2016.

- Chuyến thăm Campuchia của Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam để tham dự Hội nghị cấp cao Campuchia -Lào-Việt Nam lần thứ 9 về khu vực Tam giác Phát triển từ ngày 22-23/11/2016 tại tỉnh Siem Reap.

Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trên, thực sự đã chứng minh về việc thắt chặt tình hữu nghị và củng cố hợp tác giữa hai nước ngày càng vững chắc và sâu sắc hơn nữa.

4- Hai bên đã nhận thấy rằng quan hệ và hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa hai nước đã được củng cố và phát triển hơn nữa, cả trong khuôn khổ song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và duy trì an ninh, trật tự xã hội, nhất là tại các tỉnh biên giới hai nước.

5- Hai bên đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ hai nước cũng như các bộ, ngành liên quan đã giúp thúc đẩy và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia, nhất là giúp hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia mà hai bên đã nhất trí tại Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 8.

Hai bên yêu cầu các bộ, ngành liên quan của hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ và hợp tác theo từng lĩnh vực ngày càng tích cực và mạnh hơn nữa; đặc biệt là biến kế hoạch hợp tác từng lĩnh vực đã thống nhất thành hoạt động cụ thể để giúp hỗ trợ quá trình phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia, đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan nỗ lực điều phối, kịp thời giải quyết các đề nghị, yêu cầu và khó khăn của các tỉnh giáp biên và tùy theo khả năng cụ thể.

6- Hai bên đánh giá cao đối với hợp tác song phương và tiếp tục củng cố tăng cường trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Trong đó kinh tế Campuchia tăng trưởng khoảng 7% và kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,21%, là tỷ lệ tăng trưởng cao. Trong đó, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia năm 2016 đạt khoảng 2,92 tỷ USD, giảm 13,1% so với năm 2015.

Hàng hóa Việt Nam xuất sang Campuchia đạt khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 8,8%, hàng hóa Campuchia xuất sang Việt Nam đạt 725,8 triệu USD, giảm 24% so với năm 2015. Tính đến hết tháng 2/2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 624,1 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia ước đạt 388 triệu USD, tăng 19% và kim ngạch nhập khẩu từ Campuchia ước đạt 236,1 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia các sản phẩm như xăng dầu, sắt thép, phân bón, hàng dệt may, sản phẩm từ chất dẻo, máy móc thiết bị phụ tùng.

Trong khi đó, các mặt hàng chính mà Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia gồm cao su, hạt điều, gỗ, ngô, nguyên phụ liệu thuốc lá và phế liệu sắt thép…

Hai bên sẽ cố gắng thúc đẩy qu​y mô trao đổi thương mại giữa hai nước, nhất là các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia, sử dụng hết tiềm năng và tạo thuận lợi lẫn nhau phù hợp với chủ trương và luật pháp mỗi nước.

Nhằm thúc đẩy và nâng cao hợp tác giữa các tỉnh giáp biên giới Việt Nam-Campuchia trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên thống nhất như sau:

- Nỗ lực thúc đẩy mạnh hoạt động trao đổi thương mại và dịch vụ giữa các tỉnh giáp biên ngày càng sôi nổi và quy mô ngày càng tăng theo tinh thần Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ký ngày 26/10/2016.

- Tiếp tục xem xét, tăng cường tạo thuận lợi và khuyến khích đầu tư và thương mại khu vực biên giới, nhất là xây dựng nhà máy, xí nghiệp chế biến nông sản tại chỗ.

- Tiếp tục thảo luận các biện pháp nhằm khuyến khích và thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước, nhất là nông sản tại các tỉnh giáp biên nhằm nâng cao hơn nữa trao đổi thương mại song phương.

- Hợp tác tuyên truyền và trao đổi thông tin về tiềm năng thương mại và nông nghiệp của các tỉnh giáp biên nhằm thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại các tỉnh giáp biên giới.

- Tiếp tục thúc đẩy điều phối thương mại, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hóa và nâng cao hợp tác ngăn chặn và trấn áp hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế và bán hàng giả qua biên giới.

- Thúc đẩy việc tổ chức hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm có sức lôi cuốn, xây dựng mạng lưới chợ ở khu vực biên giới.

- Hợp tác thúc đẩy việc xây dựng chợ kiểu mẫu biên giới Campuchia trong Đặc khu kinh tế Thary​ tại làng Da​ Kan-đan, xã Đa, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum; đồng thời nghiên cứu soạn thảo quy chế quản lý chợ biên giới chung Việt Nam-Campuchia.

- Các tỉnh biên giới cần hợp tác xây dựng chương trình thúc đẩy thương mại và diễn đàn đầu tư tại các tỉnh giáp biên giới nhằm tạo cơ hội phát triển thương mạị và thu hút thêm đối tác đầu tư.

- Ngân hàng trung ương hai nước cam kết tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các ngân hàng thương mại hai nước thiết lập hiện diện xuyên biên giới, bao gồm cả việc các ngân hàng thương mại Việt Nam có hiện diện ở Campuchia mở chi nhánh, phòng giao dịch ở khu vực biên giới để thực hiện thanh toán biên mậu.

- Chính quyền các tỉnh giáp biên giới phải tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ và thúc đẩy xây dựng chợ biên giới, nhà máy, xí nghiệp, kho hàng, cửa hàng miễn thuế, đại lý cung cấp hàng, nơi đổi tiền, bến xe, trung tâm dịch vụ và thương mại, khách sạn, Đặc khu kinh tế và các cơ sở kinh doanh thương mại khác.

  

7- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu giao thương, qua lại giữa các tỉnh biên giới nói riêng và hai nước nói chung, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, hai bên sẽ nghiên cứu và xem xét khả năng nâng cấp, mở mới cửa khẩu trên nguyên tắc thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế của các tỉnh biên giới và tuân thủ quy định nội luật của mỗi nước.

Để thúc đẩy công tác này, hai bên thống nhất thành lập Nhóm công tác hỗn hợp, phía Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì, phía Campuchia do Bộ Nội vụ chủ trì, thành phần gồm đại diện các bộ, ngành và địa phương liên quan của hai bên để trao đổi, thống nhất bằng văn bản các nội dung liên quan đến việc mở, nâng cấp cửa khẩu, trình cấp có thẩm quyền của hai nước xem xét, quyết định và thông báo cho nhau qua đường ngoại giao.

Đồng thời, hai bên quyết tâm thực hiện những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất trong việc mở mới và nâng cấp của khẩu thời gian qua, trong đó hai bên thống nhất thúc đẩy nâng cấp cửa khẩu phụ Meanchey, tỉnh Prey Veng và cửa khẩu phụ Tân Nam (Tây Ninh) thành cửa khẩu quốc tế trong thời gian sớm.

8- Hai bên đánh giá cao đối với sự phát triển và hợp tác trên lĩnh vực công chính và vận tải giữa các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia, đã cố gắng thúc đẩy kết nối mạng lưới đường giao thông tại các tỉnh giáp biên giới hai nước để giúp điều tiết trao đổi thương mại, vận chuyển hàng hóa và hành khách qua lại biên giới.

Phía Campuchia đánh giá cao sự hỗ trợ của phía Việt Nam trong việc xây dựng đường giao thông và cầu qua biên giới thời gian qua. Hai bên sẽ thúc đẩy tiến độ xây dựng cầu Chrây Thom - Long Bình là cầu biên giới giáp hai tỉnh Kandal​ - An Giang để có thể khánh thành đưa vào vận hành trong năm 2017 này.

Hai bên phối hợp thúc đẩy, hoàn thành đàm phán, tiến tới ký kết các nội dung sau: (i) Bản Ghi nhớ cấp chính phủ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến 2030; (ii) Bản Ghi nhớ giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc xúc tiến Nghiên cứu xây dựng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Phnom Penh; (iii) Nghị định thư sửa đổi Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam-Campuchia.

9- Hai bên thống nhất trao đổi đoàn, kinh nghiệm và thông tin nhằm củng cố và phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giữa các tỉnh giáp biên hai nước; đồng thời giúp hỗ trợ kỹ thuật, giống hoa màu, giống động vật có chất lượng và sản lượng cao.

Hai bên sẽ phối hợp đề ra biện pháp đề phòng, ngăn chặn và chống động vật phá hoại lúa, hoa màu tại khu vực biên giới; đồng thời có biện pháp bảo vệ và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm khác trên hoa màu và vật nuôi.

Hai bên sẽ phối hợp tìm kiếm thị trường thu mua nông sản để thúc đẩy việc bán nông sản tại các tỉnh giáp biên, cũng như bảo vệ giá nông sản trong mức độ phù hợp và ổn định.

Hai bên tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp của mỗi bên trên địa bàn mình nhất là xây dựng nhà máy, xí nghiệp chế biến nông sản tại chỗ.

Hai bên quyết tâm cùng phối hợp ngăn chặn và trấn áp hoạt động phá rừng, buôn bán và vận chuyển gỗ, thủy sản động vật trái pháp luật qua biên giới hai nước. Hai bên sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin cho nhau khi xảy ra vi phạm.

10- Việt Nam sẽ nỗ lực duy trì và đảm bảo cung cấp điện cho Campuchia một cách ổn định, an toàn và tin cậy. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các biện pháp kỹ thuật và đầu tư để đảm bảo lưới điện liên kết giữa hai nước (đặc biệt là đường dây liên kết 220 kV Châu Đốc-Takeo) vận hành an toàn, tin cậy và ổn định. Hai bên nỗ lực thực hiện nghiêm túc các Thỏa thuận mua bán điện đã ký và thực hiện theo nghĩa vụ đã được ghi trong Hiệp định.

Hai bên khuyến khích thúc đẩy và tạo điều kiện để nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong việc bán điện từ phía Campuchia cho Việt Nam với công suất khoảng 100 MW vào mùa mưa đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy cho hệ thống điện hai nước.

11- Hai bên nhất trí và thúc đẩy hoạt động trao đổi các đoàn nghiên cứu hoặc tổ chức hội thảo, hội nghị khác nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và các tiến bộ trong lĩnh vực y tế; đồng thời nhanh chóng trao đổi thông tin cho nhau về dịch bệnh, hợp tác ngăn chặn và kiểm soát không cho lây nhiễm ảnh hưởng sinh mệnh và sức khỏe nhân dân nhất là tại cửa khẩu biên giới.

Hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp ngăn chặn và trấn áp hoạt động buôn bán, sản xuất dược phẩm giả hoặc kém chất lượng, đồng thời nhanh chóng kịp và thời cung cấp thông tin cho nhau về việc này.

Các tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Campuchia qua biên giới khám và chữa bệnh tại bệnh viện và cơ sở y tế Việt Nam và tính phí như đối với người dân Việt Nam.

Các tỉnh biên giới của Việt Nam nhất trí tiếp tục giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực y tế và cung cấp trang thiết bị y tế cho các tỉnh biên giới của Việt Nam tùy theo khả năng cụ thể.

12- Phía Campuchia đánh giá cao việc phía Việt Nam đã cấp học bổng cho học sinh-sinh viên, cán bộ, công chức để theo học chương trình đại học, cao học và bồi dưỡng chuyên ngành tại các trường đại học, cơ sở đào tạo, cơ quan Nhà nước tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã góp phần nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực cho Campuchia.

Hai bên tiếp tục khuyến khích các tỉnh giáp biên giới hai nước hỗ trợ lẫn nhau về phần mềm và phần cứng lĩnh vực giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Hai bên tiếp tục hợp tác đẩy mạnh hoạt động trao đổi văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán và tổ chức các giải thể thao hữu nghị giữa các tỉnh biên giới hai nước nhằm nâng cao tinh thần hiểu biết lẫn nhau và củng cố đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân và thanh niên các tỉnh giáp biên.

13- Hai bên hợp tác chặt chẽ tăng cường phát triển du lịch tại các tỉnh biên giới, tập trung vào các lĩnh vực trao đổi thông tin, kết nối tua du lịch, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Hai bên cùng nỗ lực hợp tác xây dựng điểm đến chung hai nước trong khuôn khổ song phương và đa phương như hợp tác CLV, CLMV, GMS, ACMECS, ASEAN. Hai bên thống nhất nỗ lực xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch của các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia với chủ đề “Hai quốc gia, Một điểm đến”; tổ chức các hội chợ du lịch nhằm thu hút du khách và đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

14- Hai bên đánh giá cao đối với Nhóm công tác kỹ thuật liên hợp và Ủy ban liên hợp biên giới hai nước đã nỗ lực phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước, đến nay đã hoàn thành khoảng 84%.

Trên cơ sở này, hai bên thúc đẩy các tỉnh giáp biên giới hai nước phối hợp gìn giữ và bảo vệ cột mốc biên giới và cột dấu biên giới đã cắm, không để bị phá hoại và nỗ lực duy trì quản lý biên giới theo đúng các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận về biên giới mà hai nước đã ký kết.

Trong trường hợp xảy ra vụ việc, hiện tượng xảy ra tại khu vực biên giới, các tỉnh biên giới cần kịp thời thảo luận và hợp tác giải quyết ngay, không để vấn đề lan rộng ảnh hưởng đến quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, gây trở ngại cho công tác phân giới, cắm mốc, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và bằng biện pháp hòa bình.

Các tỉnh giáp biên phải hợp tác tốt với Nhóm công tác kỹ thuật trong việc nghiên cứu và đo đạc, phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước. Cần tổ chức thực hiện nhiêm túc theo hướng dẫn và quyết định của Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền và tất cả thỏa thuận của Chính phủ hai nước.

Các tỉnh biên giới cần tiếp tục hợp tác và điều phối giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, rạch dọc biên giới trên khuôn khổ pháp luật đã được hai bên thỏa thuận và với tinh thần hiểu biết và thiện chí không xâm phạm nhằm phục vụ lợi ích và nhu cầu cần thiết của nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới.

Các dự án làm đường dọc biên giới giữa hai nước ở những đoạn hai bên đã thống nhất trên tuyến biên giới để phục vụ công tác cắm mốc biên giới bổ sung và cột dấu biên giới; đề nghị cả hai bên phối hợp chặt chẽ nhằm tránh xảy ra các vụ việc xảy ra ngoài ý muốn, gây cản trở quá trình xây dựng biên giới giữa hai nước.

15- Hai bên đánh giá cao đối với chính quyền và lực lượng chức năng các tỉnh giáp biên giới hai nước, đã nỗ lực duy trì và bảo vệ tốt an ninh, trật tự tại khu vực biên giới hai nước và hợp tác chặt chẽ, nhanh chóng trong việc phòng ngừa ngăn chặn và trấn áp các loại tội phạm tại khu vực biên giới, bảo đảm hòa bình và ổn định xã hội. Để tiếp tục nâng cao hợp tác trên lĩnh vực công tác quốc phòng và an ninh trật tự tại khu vực biên giới, các tỉnh biên giới cần tổ chức thực hiện các công tác sau:

- Cần tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch hợp tác thường niên năm 2017 giữa Bộ Công an nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia và Kế hoạch hợp tác thường niên năm 2017 giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

- Lực lượng chức năng đóng quân tại biên giới cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong vai trò, nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực biên giới nhằm tiếp tục xây dựng đường biên giới hai nước thành biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

- Kiên quyết không cho phép bất kỳ một thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để phá hoại an ninh, ổn định của nước khác.

- Tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc qua lại biên giới, phát hiện và ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhằm gây mất an ninh trật tự của mỗi nước và gây chia rẽ, xuyên tạc quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có giữa hai quốc gia, đồng thời phối hợp giải quyết, xử lý các đối tượng qua lại biên giới trái phép trên cơ sở luật pháp của hai nước và thoả thuận mà hai bên đã ký kết.

- Hai bên cần tăng cường quan hệ và hợp tác chặt chẽ hơn nữa, kịp thời cung cấp thông tin nhằm phòng ngừa ngăn chặn và trấn áp các loại tội phạm tại khu vực biên giới, nhất là tội phạm ma túy, buôn người, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố… Lực lượng chức năng phải phối hợp lập kế hoạch hoạt động đề ra biện pháp cụ thể phù hợp với điều kiện địa hình và tình hình khu vực để đề phòng, ngăn chặn và trấn áp các loại tội phạm ở khu vực biên giới một cách hiệu quả và kịp thời, không buông lỏng để các loại tội phạm ngày càng phức tạp khó giải quyết.

- Hai bên cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục nhân dân hai nước sinh sống tại khu vực biên giới nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của mỗi nước và các quy định được hai nước thống nhất; tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước; cảnh giác với các luận điệu chia rẽ, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

- Phía Việt Nam cảm ơn những nỗ lực hợp tác của phía Campuchia trong việc hỗ trợ kiều dân Việt Nam sinh sống tại Campuchia trong thời gian qua.

Trên tinh thần láng giềng hữu nghị giữa hai nước, phía Campuchia sẽ tiếp tục có các biện pháp hiệu quả bảo đảm quyền hợp pháp của kiều dân Việt Nam được đối xử bình đẳng như các ngoại kiều khác ở Campuchia phù hợp với luật pháp và quy định của Campuchia từ đó góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

- Hai bên nhất trí sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù ký ngày 20/12/2016 có hiệu lực; phối hợp thực hiện hiệu quả Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và Hiệp định dẫn độ; đẩy mạnh hợp tác tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước; tổ chức tốt Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ nhất chiếu theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia trong lĩnh vực này.

- Cần phối hợp chặt chẽ và giải quyết kịp thời tại chỗ đối với các sự vụ xảy ra liên quan đến an ninh biên giới của hai nước trên tinh thần láng giềng, thân thiện và thông cảm lẫn nhau.

- Chính quyền địa phương các cấp và lực lượng chức năng ở dọc biên giới hai nước tiếp tục duy trì cơ chế gặp nhau theo định kỳ và đột xuất để trao đổi thông tin và phối hợp đề ra biện pháp giải quyết vấn đến an ninh, trật tự ở khu vực biên giới của hai nước.

- Tiếp tục hợp tác trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh ở Campuchia và công tác tôn tạo, tu bổ các đài hữu nghị Việt Nam-Campuchia tại Campuchia theo kế hoạch đã thoả thuận.

16- Hai bên thống nhất tổ chức Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 10 vào năm 2018. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ thông báo qua đường ngoại giao.

Thay mặt Đoàn đại biểu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ngài Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đánh giá cao sự tổ chức chu đáo của phía Campuchia, đánh giá Hội nghị thành công và đạt được kết quả tốt đẹp, và bày tỏ cảm ơn về sự đón tiếp rất trọng thị, nồng hậu, thắm tình đoàn kết, hữu nghị anh em mà Samdech Krolahom Sar Kheng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và phía Campuchia đã dành cho Đoàn đại biểu Việt Nam trong thời gian chuyến thăm và tham dự hội nghị quan trọng này.

Thủ đô Phom Penh, ngày 15​/3/2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục