Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã thắng thắn trả lời những vấn đề còn tồn tại trong tăng trưởng tín dụng, xử lý xóa nợ cho đối tượng bị thiệt hại bão số 10, 12, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng an toàn lành mạnh và gia hạn cho vay với doanh nghiệp xuất khẩu…
Nhận định về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đây không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà phụ thuộc vào "sức khỏe" ngân hàng.
Đối với những lĩnh vực cho vay rủi ro như chứng khoán, bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp kiểm soát tín dụng như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp...
Đối với lĩnh vực chứng khoán, tỷ trọng cho vay hiện nay thấp, giảm mạnh so với năm 2016. Cụ thể, tỷ trọng cho vay hiện khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối 2016. Các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay; ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán giới hạn 5% vốn điều lệ...
"Quan điểm Ngân hàng Nhà nước là rõ ràng, chặt chẽ. Với các quy định này chúng tôi tin tưởng đủ chặt để kiểm soát rủi ro," ông Hưng khẳng định.
Về đề xuất xóa nợ cho đối tượng bị thiệt hại bão số 10 và 12, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay đồng thời tiếp tục đánh giá ảnh hưởng thiệt hại.
Ông Hưng cho biết Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ tiếp tục rà soát để khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay. "Nếu cần thiết, có thể báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để cho xóa nợ," Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cho an toàn lành mạnh là để góp phần đảm bảo khả năng tiếp cận vốn. Đây là vấn đề nền tảng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo để phát triển mạng lưới.
Cụ thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có tổ tiết kiệm hoạt động vay vốn địa bàn đến cấp xã. Sắp tới, hệ thống ngân hàng cũng triển khai chương trình tài chính toàn diện, cấp tài chính cho những người dân ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
"Ví dụ sắp tới Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) áp dụng ngân hàng lưu động, tiếp cận đến từng địa bàn, đẩy mạnh tiếp cận vốn của khách hàng, từ đó góp phần giảm tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở các tỉnh, thành phố," Thống đốc cho biết.
Tại phiên chất vấn, Thống đốc cho biết về cho vay vốn ngoại tệ cho xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét gia hạn cho vay với doanh nghiệp xuất khẩu, vì chi phí vay ngoại tệ thấp hơn so với vay tiền đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì từng bước hạn chế vay ngoại tệ. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án kinh doanh, chuyển sang vay VND.
Đối với chênh lệch lãi suất VND, Thống đốc Hưng giải thích, thực tế lãi suất là giá vốn. Đối với các ngân hàng Việt Nam, trình độ, quy mô vốn, năng lực cạnh tranh khác nhau.
Trong điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn 1-6 tháng, cơ bản các ngân hàng cạnh tranh trên thị trường để hút khách hàng. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát để không có sự gia tăng lãi suất huy động đột biến, đảm bảo an toàn hệ thống.
"Lãi suất huy động cũng không chênh lệch quá lớn giữa các ngân hàng," ông nhận xét.
Lãi suất cho vay hiện cơ quan điều hành chỉ quy định trần với 5 lĩnh vực ưu tiên, còn lĩnh vực khác ngân hàng thỏa thuận với khách hàng. Ngân hàng nào quản trị tốt, quy mô lớn có thể lãi vay thấp hơn, còn ngân hàng nhỏ lãi vay sẽ cao hơn.
Để đảm bảo an toàn không xảy ra đổ vỡ, rủi ro hệ thống, Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu,
"Tôi tin tưởng hoạt động ngân hàng thời gian tới an toàn, lành mạnh hơn," Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh./.