Thông quan hàng hóa: Nghẽn vì các bộ, ngành mạnh ai nấy làm?

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải phóng, thông quan hàng hóa được chuyên gia kinh tế hình dung bằng hình ảnh "sân nhà ai, người nấy quét" khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, thủ tục.
Thông quan hàng hóa: Nghẽn vì các bộ, ngành mạnh ai nấy làm? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cùng một loại giấy tờ nhưng doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải nộp ở nhiều nơi. Trong khi ấy, doanh nghiệp không biết tìm đâu quy định quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng hàng vì không có hướng dẫn thống nhất, cụ thể.

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải phóng, thông quan hàng hóa bởi lẽ đó được chuyên gia kinh tế Phạm Thanh Bình hình dung bằng hình ảnh "sân nhà ai, người nấy quét."

Quy định vừa thừa, vừa thiếu

Đưa ra ý kiến trong Tọa đàm trực tuyến: "Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan" tổ chức sáng 2/4, tại Hà Nội, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện thẳng thắn: "Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý chuyên ngành là ít".

Ông Bình lấy ví dụ về danh mục quản lý hàng hóa chuyên ngành mà theo ông là "vừa thừa, vừa thiếu."

"Quy chuẩn, tiêu chuẩn và phương thức thực hiện các mặt hàng trên của bộ ngành không đồng bộ. Nơi danh mục hàng không có mã số, nơi có mã số thì không quy định hình thức quản lý, nơi có hình thức quản ý thì lại không chỉ định tổ chức kiểm tra là ai," chuyên gia Bình phản ánh.

Sự lạc lõng ấy giữa những quy định theo ông khiến doanh nghiệp không biết tìm đâu quy định cụ thể để thực hiện và ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian thông quan hàng hóa.

Đưa thêm ý kiến, ông Bình cho rằng, phí kiểm tra chất lượng hàng hóa cũng khiến doanh nghiệp lúng túng vì tính toán mỗi nơi một khác.

"Cách tính phí kiểm tra có nơi tính theo mẫu hàng hóa, nơi thì theo khối lượng, có chỗ lại theo giá trị hàng," ông Bình nêu thực tế.

Sự lỗi nhịp giữa các cơ quan chức năng cũng được chính ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra trong thực tế quản lý.

Ông Tuấn dẫn chứng về kết quả kiểm tra hàng hóa. Theo ông, ngành khoa học công nghệ hiện chấp nhận bản fax kết quả kiểm tra từ các cơ quan, tổ chức kiểm tra được chỉ định tuy nhiên ngành hải quan thì không.

Đây là khâu, theo ông Tuấn, dẫn tới mất thời gian với doanh nghiệp vì các đơn vị vẫn phải mang bản chính tới cơ quan hải quan nộp.

"Tôi biết ngành hải quan lo hàng hóa giả mạo nhưng nên chăng chúng ta kết nối để trao đổi kết quả," đại diện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói.

Nặng gánh vì quy định "cứng"

Nói thêm về những thủ tục làm khó doanh nghiệp, chuyên gia Phạm Thanh Bình nhắc tới phản ánh của Công ty Toyota Việt Nam mới đây khi phải chi tiền triệu để kiểm tra đôi găng tay và một chiếc khăn đi kèm ôtô nhập khẩu.

"Toyota Việt Nam nhập ôtô, trong ôtô có găng tay và khăn làm bằng vải nên phía hải quan yêu cầu phải có kiểm tra hàm lượng Formaldehyde, phí kiểm tra là 2,6 triệu đồng," ông Bình cho biết.

Điều này theo ông thể hiện văn bản quy định hiện "quá chung chung" và không có loại trừ, quy định cụ thể với các trường hợp riêng.

Cũng theo ông, nhiều doanh nghiệp phải có hơn 1.000 bao tải hồ sơ mỗi năm để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

"Vấn đề là khâu thủ công. Xem chứng từ đủ xuất xứ gồm nhiều giấy tờ, kể cả xuất xứ nguyên liệu đầu vào nhưng làm thủ công thì khó làm đơn giản được," chuyên gia Phạm Thanh Bình nhận định.

Thông quan hàng hóa: Nghẽn vì các bộ, ngành mạnh ai nấy làm? ảnh 2Hệ thống thông quan điện tử và kết nối với các bộ, ngành đang được triển khai để giảm thủ tục hải quan. (Ảnh: TTXVN)

Thừa nhận thực tế này, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này thời gian tới sẽ thí điểm cấp chứng từ bằng quy trình điện tử. Riêng với chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bà Hương cho biết hiện vẫn phải làm bằng giấy vì đó là thủ tục trong các hiệp định thương mại tự do với các nước.

Tuy nhiên, cũng theo chính bà Hương, hạ tầng mạng vẫn chưa ổn định là một trong nguyên nhân khiến cơ quan chức năng chưa thể khai thác thông tin lẫn nhau một cách thông suốt.

Về vấn đề này, bà Lê Như Quỳnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 3 thủ tục giữa ngành hải quan và Bộ Công Thương.

Quá trình này theo bà sẽ được mở rộng hơn nữa trong năm nay, bổ sung thêm nhiều thủ tục điện tử như thủ tục biên phòng điện tử hay chứng nhận xuất xứ. Ngoài ra, ngành hải quan cũng cho biết sẽ mở rộng kết nối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế từ nay tới cuối năm.

Tuy nhiên, trong quá trình này, bà Quỳnh nhấn mạnh yêu cầu đồng hành, mà cụ thể là kế hoạch, phân công tới từng đơn vị, tránh tình trạng "mỗi cơ quan tự làm theo phương án của mình."

Ngoài ra, theo bà Quỳnh, ngành hải quan đang xúc tiến đo thời gian giải phóng hàng hóa và sự hài lòng của doanh nghiệp và công bố vào quý 3 năm nay.

Kết quả này theo bà sẽ biết chính xác hơn đâu là điểm gây nghẽn trong quá trình thông quan và kết quả áp dụng các giải pháp mới của các bộ, ngành tới đâu./.

Kết quả đo thời gian giải phóng hàng của hải quan Việt Nam mới nhất năm 2013 cho thấy, với hàng nhập khẩu, thời gian từ khi hàng hóa đến cảng, cửa khẩu cho tới khi hàng đã có quyết định thông quan, giải phóng hàng là hơn 115 tiếng.

Trong số này, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan là 32,37 tiếng, chiếm khoảng 28% tổng thời gian. 72% thời gian còn lại là của các đơn vị khác như: doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.