Liên quan đến thông tin về dưa hấu dán tem Trung Quốc tại huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) thời gian gần đây, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định tem có chữ Trung Quốc được dán trên sản phẩm dưa hấu Quảng Nam là tem truy xuất nguồn gốc chứ không phải tem nhãn hàng hóa.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, quy định từ phía Trung Quốc kể từ ngày 1/1/2019, các loại nông sản xuất qua thị trường nước này đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc; trong đó có dưa hấu.
Vì thế, dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu còn được chủ động lựa chọn sử dụng bao bì, thùng giấy hoặc tem nhãn lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho doanh nghiệp.
Do vậy, khi quét mã QR Code trên tem này, các nhà nhập khẩu và cơ quan chức năng của Trung Quốc có thể biết được những thông tin về xuất xứ, hình ảnh vùng trồng, bản đồ điện tử, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu… đều là thông tin của Việt Nam.
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cũng cho hay trước đó, phía Trung Quốc đã phổ biến quy định cho Việt Nam về việc tất cả các loại trái cây mà Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch. Đặc biệt, yêu cầu địa phương phải đăng ký các mã số vùng trồng, các mã số này được mã hóa bằng các dãy số trong tem.
Ngoài ra, kể từ tháng 5 tới trong quá trình vận chuyển dưa hấu và các loại trái cây khác, phía Trung Quốc cũng yêu cầu phải thay đổi vật liệu đệm, lót bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm. Bởi doanh nghiệp xuất khẩu thường xuyên sử dụng rơm làm đệm lót mà vật liệu này cũng không được phép sử dụng.
Nhận định về việc thương lái thu mua dưa hấu Quảng Nam dán tem chữ Trung Quốc, ông Đoàn Ngọc Sơn quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường Quảng Nam cho hay: Mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Phú Ninh và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm bắt tình hình.
Kết quả kiểm tra và tra mã vạch trên tem mã cho thấy mã vạch này vẫn là ký hiệu số 893 của Việt Nam quy định. Mặc dù đây là tem của nước khác, nhưng nguồn gốc vẫn là dưa hấu được sản xuất tại Việt Nam.
Ông Đoàn Ngọc Sơn phân tích thêm việc dán tem trên trái dưa hấu nhằm hợp thức hóa để dưa hấu Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bởi, theo quy định mới nếu dưa hấu không dán tem, nhãn mác rõ ràng sẽ chỉ lách luật đi theo đường tiểu ngạch mà thôi.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Sơn nhấn mạnh điểm sai ở đây chỉ là nội dung tem ghi không đầy đủ, rõ ràng nhằm mục đích xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu thương lái lợi dụng việc này để tuồn hàng bán ra thị trường nội địa sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, ngay từ đầu năm Bộ Công Thương đã đưa ra thông cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Theo đó, các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung và dưa hấu nói riêng cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc của thị trường này.
Với thói quen tiêu dùng, dưa hấu tươi tại Trung Quốc thường được dùng làm thức ăn tráng miệng hoặc ép làm nước quả. Trước đây, người Trung Quốc thường ưa dùng dưa hấu trong mùa hè để thanh nhiệt giải độc.
Tuy nhiên, do điều kiện sinh hoạt ngày càng được nâng cao, nhu cầu của người Trung Quốc (nhất là người miền Bắc) ngày càng đa dạng và có xu hướng thích sử dụng dưa hấu vào dịp Tết Nguyên đán (dưa hấu có màu đỏ, màu của sự may mắn theo quan niệm của người Trung Quốc).
Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc cũng thường lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3-4 kg/quả. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu dưa hấu từ Malaysia và Myanmar.
Tương tự như các thị trường nhập khẩu khác, Trung Quốc cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông sản và trái cây nói riêng; trong đó có dưa hấu.
Vì vậy, các lô hàng nông sản, trái cây khi nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.
Đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc cho hay, nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh, Hải quan Quảng Tây (địa phương Trung Quốc giáp các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang) gần đây đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây trên địa bàn thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu trong quá trình vận chuyển bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm (như xốp lưới) từ tháng 5/2019.
Đáng chú ý, thời điểm này năm ngoái, Trung Quốc đã bắt tay vào việc quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu.
Đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế và với nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc hiện nay đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn.
Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung, dưa hấu nói riêng nên chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, trong trường hợp vườn trồng trái cây và doanh nghiệp đóng gói chưa nằm trong danh sách đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn cụ thể./.