Ngày 26/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã có văn bản số 126/BC-UBND, trả lời phóng viên TTXVN về nội dung “Điện Biên cấp lợn giống 160.000 đồng/kg cho dân” trong Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo văn bản, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh đã lý giải nguyên nhân vì sao giá lợn giống được thanh toán trong dự án lại cao hơn rất nhiều so với giá thực tế trên thị trường hiện nay.
Cụ thể trong tháng 5/2017, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2, vay vốn Ngân hàng Thế giới có nhiều điểm bất thường.
Cụ thể giá 1kg lợn giống địa phương lên tới 160.000 đồng/kg, do đó 1 con lợn giống theo tiêu chuẩn trọng lượng 20kg của Dự án cấp cho các hộ nghèo có giá lên tới 3,2 triệu đồng. Trong khi đó, cũng con lợn đó khi nuôi lớn có trọng lượng trên 90kg bán ngoài thị trường cũng chỉ bán được 3,2 triệu đồng. Như vậy các hộ được hưởng lợi từ dự án mất công chăm sóc, tốn chi phí chăn nuôi mà lại không hề có lãi, vậy hiệu quả dự án này nằm ở đâu?
[Tin bịa đặt "thịt lợn có sâu" khiến người chăn nuôi Lào Cai khốn đốn]
Trả lời nội dung trên, văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên nêu 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sau: Thời điểm các nhóm người dân được hưởng dự án có cùng sở thích (CIG) đi khảo giá thị trường, lựa chọn đơn vị cung ứng con giống, vật tư từ tháng 12/2016, đến tháng 3- 4/2017, các nhóm CIG và nhà cung cấp mới tiến hành bàn giao, tiếp nhận con giống, vật tư theo hợp đồng ký kết. Tại thời điểm này có sự biến động giá của thị trường, tuy nhiên Ban quản lý dự án giảm nghèo các huyện và Ban phát triển các xã chưa kịp thời điều chỉnh giá cho phù hợp với thực tế, gây băn khoăn trong dư luận.
Về các yếu tố cấu thành giá con giống trong hợp đồng cao hơn giá trên thị trường tại thời điểm khảo giá từ 22- 25%: Lý do các nhóm CIG không chọn phương án mua giống của người dân địa phương có giá thấp hơn, mà ký hợp đồng với các nhà cung ứng nguyên nhân là vì người dân địa phương không có đủ số lượng con giống cấp đồng loạt cho dự án trong cùng một thời điểm; người dân không bán chịu; con giống của người dân không khẳng định được đã tiêm phòng hay chưa; không có cam kết bảo hành về chất lượng con giống; không chịu chi phí vận chuyển con giống đến trực tiếp người mua…
Theo báo cáo của các huyện, giá con giống do các nhóm CIG và nhà cung cấp thống nhất ký kết hợp đồng cung ứng thường cao hơn giá con giống tại thị trường trên địa bàn huyện tại thời điểm khảo giá từ 22- 25%: Nguyên nhân do yếu tố cấu thành giá con giống trong hợp đồng bao gồm cả chi phí tiêm phòng bệnh; bảo hành về chất lượng; chi phí vận chuyển; chi phí nuôi con giống trong quá trình thu gom và chi phí bảo hành con giống.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, do chi phí đối ứng của người dân (chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí tiểu dự án) sử dụng chi làm chuồng trại, công chăm sóc và sử dụng một phần cho việc thanh toán mua con giống, nên cơ bản người dân vẫn được hưởng lợi. Bên cạnh đó, do các dự án thuộc kế hoạch bổ sung năm 2016 của dự án hầu hết chưa tiến hành giải ngân cho các đơn vị cung ứng, nên khi Ban quản lý dự án giảm nghèo các huyện và Ban Phát triển các xã điều chỉnh lại giá cho phù hợp sẽ đảm bảo hiệu quả mục tiêu thực hiện dự án.
Tỉnh Điện Biên tiếp nhận thông tin từ các cơ quan báo chí, ngay trong ngày 24/5/2017 đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương kiểm tra, yêu cầu các huyện, xã tạm dừng thanh toán kinh phí để rà soát, điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế mới cho giải ngân thanh toán vốn…
Theo Quyết định số 1275 ngày 17/10/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, dự án giảm nghèo miền núi phía Bắc giai đoạn 2015- 2018( Hợp phần ngân sách phát triển xã bổ sung năm 2016) gồm 628 tiểu dự án triển khai tại 4 huyện: Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa và Điện Biên với tổng kinh phí lên tới trên 64,4 tỷ đồng, trong đó có gần 54,6 tỷ đồng vay Ngân hàng Thế giới, trên 9,1 tỷ đồng do nhân dân đóng góp và vốn đối ứng là 628 triệu đồng./.