Thu hút đổi mới sáng tạo thông qua các đề bài thực tiễn và tiềm năng

Chương trình 'Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023' là cầu nối giữa các 'ông lớn' với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chia sẻ các đề xuất giải pháp và thúc đẩy trao đổi tri thức.
Thu hút đổi mới sáng tạo thông qua các đề bài thực tiễn và tiềm năng ảnh 1Chương trình “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023 ngày 29/8. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Tối ưu hóa giá trị pin xe điện đã qua sử dụng/hết tuổi thọ trong nền kinh tế tuần hoàn,” là đầu bài được Tập đoàn VinGroup nêu ra cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đề xuất giải pháp, tại Chương trình “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023" (Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Nhật Bản: Đường tới thành công), ngày 29/8.

Chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức và dự kiến sẽ trở thành sự kiện thường niên.

[300 DN công nghệ tham gia triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam]

Mục đích của “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023” là tạo cầu nối giữa những tập đoàn lớn và doanh nghiệp đề xuất giải pháp. Chương trình cũng góp phần tăng hiệu quả trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, chương trình sẽ tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm, giải pháp hướng tới các khách hàng lớn tiềm năng. Đặc biệt, các sản phẩm, giải pháp xuất sắc sẽ có cơ hội được doanh nghiệp sở hữu “thách thức” hỗ trợ phát triển và đầu tư trong tương lai, hướng tới mở rộng thị trường và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương trình năm nay có sự tham gia của Tập đoàn VinGroup, Công ty Công nghệ MoMo và Tập đoàn FPT (phía Việt Nam), Tập đoàn Tokyu, Tập đoàn Money Forward, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng (phía Nhật Bản) với vai trò là doanh nghiệp sở hữu "thách thức."

Thu hút đổi mới sáng tạo thông qua các đề bài thực tiễn và tiềm năng ảnh 2 Các công ty công nghệ của Việt Nam được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp và sự tin cậy. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, chia sẻ thống kê của Phòng thương mại Nhật Bản cho thấy có hàng ngàn dự án đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam đang hợp tác kinh doanh với các công ty công nghệ nội địa ở một số lĩnh vực nổi bật, như phát triển ứng dụng, tự động hóa nhà máy và số hóa doanh nghiệp.

“Đặc biệt, trong bối cảnh thiếu hụt kỹ sư công nghệ tại Nhật Bản, các công ty công nghệ của Việt Nam đang được đánh giá cao về chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn cũng đã thâm nhập thị trường và ưu tiên tăng cường hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản. Do đó, chương trình sẽ là cơ hội tuyệt vời cho đổi mới sáng tạo trên toàn cầu,” ông Takeo Nakajima cho biết.

Ban tổ chức cho hay đã đồng hành cùng các bên để đưa ra được những đề bài thú vị, thu hút sự quan tâm của không chỉ đối với doanh nghiệp sở hữu "thách thức" nói riêng mà còn là cả xã hội nói chung.

Bên cạnh Tập đoàn VinGroup với thách thức về “Tối ưu hóa giá trị pin xe điện đã qua sử dụng,” Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến đề xuất vấn đề liên quan tới “Thúc đẩy tài chính toàn diện cho người Việt.” Và, Tập đoàn FPT-FPT IS lại công bố 2 thách thức về “Nền tảng quản lý và giao dịch tín chỉ carbon xuyên biên giới” và “Trợ lý ảo hỗ trợ tra cứu thông tin pháp luật của các bộ ngành.”

Về phía Nhật Bản, Tập đoàn Tokyu mong muốn tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề “Phát triển đô thị bền vững TOKYU Garden City nhằm tạo ra nơi tốt nhất để sống, làm việc và tham quan tại Việt Nam với triết lý: Always NEW!" Mặt khác, tập đoàn công nghệ tài chính lớn nhất của Nhật Bản-Money Forward nêu ra thách thức xoay quanh “Hợp tác và mở rộng để hợp lý hóa B2B SaaS hoặc giải pháp Fintech.”

Cuối cùng, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng đề cập đầu bài về “Phát triển phần mềm sử dụng công nghệ AI”.

Đại diện ban tổ chức, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia kỳ vọng những đề bài thú vị, gắn liền với thực tiễn của 6 doanh nghiệp sở hữu “thách thức” trong chương trình sẽ có nhiều giải pháp xuất sắc, giải quyết được các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Ishikawa Hiroshi, Giám đốc điều hành JETRO, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho rằng “Inno 2023 Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023” - là con đường nhanh nhất dành cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thiết lập kinh doanh, tiếp cận các tổ chức hỗ trợ, và các nguồn lực khác của chính phủ.

Ông Ishikawa Hiroshi cho biết các giải pháp đề xuất lọt vào vòng chung kết của Fast Track Pitch sẽ được cộng thêm điểm trong quá trình lựa chọn của Chương trình DX Asia Promotion Program-Chương trình cam kết tổng giá trị tài trợ lên tới 50 triệu yên. Dự kiến sau khoảng 2 năm thực hiện chứng minh tính khả thi, các hoạt động kinh doanh này sẽ được triển khai tại quốc gia mục tiêu hoặc các quốc gia ASEAN khác cùng với đối tác dự án đến từ Nhật Bản./.

Thu hút đổi mới sáng tạo thông qua các đề bài thực tiễn và tiềm năng ảnh 3

Chương trình có sự tham gia của Tập đoàn VinGroup, Công ty Công nghệ MoMo và Tập đoàn FPT, Tập đoàn Tokyu, Tập đoàn Money Forward, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng với vai trò là doanh nghiệp sở hữu 'thách thức'. (Ảnh: PV/Vietnam+)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.