Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam không ngừng gia tăng. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại, Việt Nam vẫn sẽ có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm 2019 và còn tiếp tục phát triển trong những năm tới.
"Ngôi sao sáng" thu hút FDI
Hãng tin Bloomberg cùng nhiều hãng truyền thông quốc tế mới đây đã đăng các bài viết nêu bật những thành tựu kinh tế của Việt Nam, đồng thời dự báo kinh tế của đất nước hình chữ S sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Bloomberg nhận định Việt Nam đang thực sự đột phá vượt ngưỡng kỳ vọng, dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công bố mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 là 6,8%, GDP quý 3/2019 của Việt Nam ước tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng Reuters đưa tin, trong 10 tháng năm 2019, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ở Việt Nam ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Reuters, dòng vốn FDI là một yếu tố quan trọng bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các công ty FDI chiếm khoảng 70% xuất khẩu của quốc gia này.
Hãng tin Regnum cũng nêu bật thành tích kinh tế của Việt Nam - như tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, vượt trước các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Indonesia.
Tổng giám đốc quản lý và tư vấn đầu tư nước ngoài thuộc ngân hàng UOB (United Overseas Bank) Sam Cheong Chwee trong bài viết phân tích về tình hình kinh tế khu vực đăng trên báo Liên hợp buổi sáng (Singapore) ngày 9/10 cũng nhận định Việt Nam đang trở thành ngôi sao sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Đông Nam Á.
Ông Sam Cheong Chwee chỉ ra rằng, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào thị trường Việt Nam không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.
Số liệu thống kê của Hội nghị về thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam năm 2018 đã thu hút được lượng vốn FDI lên tới 16 tỷ USD.
Sự tăng trưởng về kinh tế và công nghiệp sẽ giúp Việt Nam trong khoảng một thập kỷ tới đây luôn là đối tác và thị trường quan trọng tại khu vực Đông Nam Á.
Đạt được kết quả này là nhờ Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trọng tâm, nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đơn cử như việc quy hoạch và xây dựng thành phố cảng Hải Phòng thành một trung tâm kinh tế mới tại khu vực Đông Bắc đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
11 tháng, thu hút FDI cả nước tăng hơn 3%
Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,69 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.
[10 tháng năm 2019: Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI]
Theo đó, tính đến ngày 20/11/2019, có 3.478 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,2% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỷ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư đăng ký cấp mới giảm nhưng tốc độ giảm đã nhỏ dần so với các tháng trước. Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD được cấp mới trong cùng kỳ năm 2018 thì tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng năm 2019 tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Về vốn điều chỉnh, có 1.256 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,87 tỷ USD, bằng 79,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 11 tháng năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như cùng kỳ năm 2018.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.
Theo các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.
Đáng chú ý, trong 11 tháng năm 2019 số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt gần 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,1% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 164,83 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,3% kim ngạch xuất khẩu.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực; trong đó, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…
Theo đối tác đầu tư, có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD; trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của Hong Kong).
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản...
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh thành phố; trong đó, Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 6,82 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư.
[Triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm 2019]
Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 5,48 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh…
Cân nhắc chọn lọc đầu tư nước ngoài
Nhằm thể chế hóa quan điểm, giải pháp tại Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hiệp định song phương về đầu tư, dự thảo Luật Đầu tư bổ sung quy định về danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ.
Danh mục hạn chế gồm ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài ngành nghề trong hai danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Bàn về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng hệ thống danh mục hạn chế cho đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường cần hết sức cân nhắc kỹ trong xu thế bảo hộ thương mại.
“Nếu chúng ta không rà soát tốt, xây dựng tốt ‘hàng rào’ ngành nghề doanh nghiệp nước ngoài được tiếp cận thì sẽ tạo ra một sự cạnh tranh không bình đẳng về năng lực với doanh nghiệp trong nước. Chúng ta sẽ mất đần đi những thương hiệu, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia,” đại biểu lưu ý.
Đánh giá việc hạn chế tiếp cận thị trường là vấn đề mới trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng việc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường sẽ góp phần hạn chế đầu tư công nghệ lạc hậu, những đầu tư mà các nước khác không chấp nhận nữa vào Việt Nam.
Do vậy, “cần có danh sách cụ thể về các danh mục hạn chế tiếp cận thị trường trong luật. Những gì cấm thì cần có quy định cụ thể, như thế sẽ minh bạch hơn,” ông Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mặc dù chi phí lao động tương đối thấp, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa việc phát triển lao động lành nghề - yếu tố chính để thu hút FDI, song song với đó là việc khuyến khích đổi mới và sử dụng công nghệ mới.
Năng suất lao động của Việt Nam, mặc dù đã được cải thiện trong thập kỷ qua, song nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước ASEAN khác. Đây là thách thức lớn nhất trong việc duy trì vị thế là một trung tâm đầu tư của khu vực./.