Thử nghiệm công nghệ rửa đất để xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa

Trong năm 2019 và 2020, Tập đoàn Shimizu phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường thuộc Binh chủng Hóa học tổ chức thử nghiệm công nghệ rửa đất để xử lý đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 8/12, tại Hà Nội, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) và Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) phối hợp tổ chức Hội thảo về kết quả thử nghiệm công nghệ rửa đất để xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Dự Hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701); Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Daisuke Okabe; Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học cùng đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế hai nước cùng các nhà khoa học.

Theo Bộ Tư lệnh Hóa học, trong năm 2019 và 2020, Tập đoàn Shimizu đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường thuộc Binh chủng Hóa học tổ chức thử nghiệm công nghệ rửa đất để xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Công nghệ rửa đất đã được Tập đoàn Shimizu thực hiện tại Nhật Bản để xử lý hàng triệu tấn đất nhiễm hóa chất độc hại, trong đó có đất nhiễm dioxin.

Tuy nhiên, vì ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa có những đặc điểm riêng, nồng độ dioxin cao và rất cao, nên Tập đoàn Shimizu nhận thấy sự cần thiết phải thử nghiệm để đánh giá hiệu quả của công nghệ và lựa chọn quy trình xử lý hiệu quả nhất.

[Bàn giao mặt bằng dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu sân bay Biên Hòa]

Nguyên lý cơ bản của công nghệ rửa đất này không phải là hòa tan chất ô nhiễm trong nước mà là phân tách vật lý sau khi trộn với nước. Dựa trên đặc tính các chất ô nhiễm bám vào các hạt mịn của đất, các chất ô nhiễm sẽ được loại bỏ cùng với các hạt mịn thông qua sàng lọc, phân loại, tuyển nổi bằng quá trình xoáy thủy lực, máy phân tách đất, máy chà...

Một nhà máy hoàn chỉnh để thử nghiệm công nghệ rửa đất đã được xây dựng tại Biên Hòa. Với công suất 14 tấn/giờ và thời gian làm việc 8 giờ/ngày, nhà máy xử lý được từ 120 đến 150 m3 đất nhiễm (tương đương với 220 đến 270 tấn) trong ngày và từ 30 nghìn đến 37 nghìn m3 đất nhiễm trong một năm.

Nếu thời gian làm việc của nhà máy được nâng lên 16 giờ/ngày thì có thể xử lý được từ 65 nghìn đến 80 nghìn m3 với 250 ngày làm việc trong năm.

Công sứ Daisuke Okabe phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường và các cơ quan có liên quan của Việt Nam đã giám sát, đánh giá quá trình triển khai thử nghiệm. Hoạt động quan trắc môi trường đã được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, kết quả cho thấy không có sự phát tán dioxin vào nước thải và không khí, hoàn toàn không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Những người tham gia thử nghiệm được thăm khám, theo dõi sức khỏe và định lượng dioxin trước và sau thử nghiệm, kết quả cho thấy không có phơi nhiễm dioxin ở những người tham gia thử nghiệm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, công nghệ rửa đất này đảm bảo tính hiệu quả về kỹ thuật, tiết kiệm kinh phí, thời gian thực hiện, đặc biệt là thân thiện với môi trường. Công nghệ này sẽ tiếp tục được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu để xem xét tiếp tục áp dụng trong thời gian tới.

Sân bay Biên Hòa là nơi ô nhiễm dioxin trọng điểm nhất ở Việt Nam, được đánh giá bị ô nhiễm dioxin khoảng 500 nghìn m3, cụ thể, khối lượng đất nhiễm dioxin tại phía Nam sân bay khoảng 200 nghìn m3; phía Tây sân bay khoảng 300.000 m3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục