Thử nghiệm năng lực của ASEAN trước những thách thức địa chính trị

Các thỏa thuận hợp tác của ASEAN đã đóng vai trò như một cơ chế hiệu quả để thu hút và quản lý lợi ích của các cường quốc trong khu vực.
Thử nghiệm năng lực của ASEAN trước những thách thức địa chính trị ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, mối quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc và Mỹ đang chịu nhiều áp lực trong một thế giới mà trật tự toàn cầu đang thay đổi đáng kể.

Sự thay đổi này đe dọa đến an ninh và thịnh vượng chung của châu Á. Nó là sản phẩm của những thay đổi lớn trong cấu trúc quyền lực toàn cầu vốn được thúc đẩy bởi sự thành công của trật tự đó, với sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ và những nước khác bất an sâu sắc.

Áp lực đó ngày càng gia tăng do đại dịch COVID-19 và tác động của nó đối với tình trạng căng thẳng giữa các nước lớn và nền kinh tế toàn cầu.

ASEAN đã đóng vai trò trung tâm như một điểm tựa để kiềm chế các nước lớn, vốn đang "chen lấn" trong khu vực. Các thỏa thuận hợp tác của ASEAN đã đóng vai trò như một cơ chế hiệu quả để thu hút và quản lý lợi ích của các cường quốc trong khu vực.

Nhưng liệu ASEAN và các khuôn khổ khu vực của tổ chức này có thể tiếp tục duy trì đủ sức mạnh để đối phó với hai cường quốc khu vực khi họ ngày càng bắt đầu coi mình là đối thủ cạnh tranh chiến lược hay không?

Sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế thế giới đã làm tăng sự tự tin và ảnh hưởng của nước này trong khu vực. Hai lĩnh vực mà sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tác động trực tiếp đến các nước thành viên ASEAN là vấn đề lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông và sự hỗ trợ tài chính quy mô lớn của Trung Quốc thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc đi đôi với tham vọng địa chính trị mà hiện bao hàm một khái niệm rộng lớn hơn về các lợi ích an ninh hàng hải của nước này, bao gồm cả các khu vực rộng lớn của Biển Đông có biên giới với các nước thành viên ASEAN.

[Quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong tương quan với Trung Quốc ở Biển Đông]

Trong khi đó, ASEAN đối mặt với những vấn đề xuất phát từ những thay đổi căn bản trong chính sách ngoại giao và kinh tế quốc tế của Mỹ kể từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ. Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump và việc chính quyền Trump hợp lý hóa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch để đối phó với tình trạng mất việc làm của người Mỹ đã làm suy yếu cam kết đối với cơ chế thương mại đa phương rộng mở.

Cuộc tấn công của ông Trump vào cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ủng hộ chủ nghĩa song phương và đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định thương mại song phương Mỹ-Hàn (KORUS), rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và phát động hiệu quả cuộc chiến thương mại và công nghệ với Trung Quốc đã làm rung chuyển nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế mà ASEAN dựa vào. Sự thiếu tôn trọng của ông Trump đối với các mối quan hệ đồng minh ở khu vực làm tăng thêm sự bất ổn ở châu Á về độ tin cậy của Mỹ.

Có 5 mặt trận chính trong đó các lực lượng chính trị và kinh tế tác động đến ASEAN và cách ứng phó của tổ chức này với các cường quốc: ở Biển Đông là về các vấn đề lãnh thổ và tự do hàng hải; Sáng kiến BRI; chiến tranh thương mại và công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc; phản ứng với Sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Mỹ; và hậu quả của đại dịch COVID-19.

Những diễn biến này mang lại cho ASEAN và các quốc gia hội nhập kinh tế mạnh mẽ ở Đông Á, những nước lâu nay dựa vào chủ nghĩa đa phương và chính sách ngoại giao dựa trên luật lệ, các lựa chọn rõ ràng. Đây là những lựa chọn sẽ gây áp lực nội bộ nặng nề lên ASEAN với cấu trúc đa dạng của mối quan hệ an ninh-kinh tế của các nước thành viên ASEAN với Mỹ.

Đây là những áp lực có khả năng thúc đẩy sự chia rẽ không những trong các thành viên ASEAN mà còn giữa ASEAN và các đối tác đối thoại trong nhóm ASEAN+6 và các tiến trình của ASEAN+8 (Hội nghị thượng đỉnh Đông Á - EAS) và gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với tiến trình hội nhập Đông Á do ASEAN dẫn dắt. Chất kết dính của mối quan hệ kinh tế của châu Á với Trung Quốc dễ bị ăn mòn bởi các mối quan hệ chính trị mâu thuẫn của một số nước khu vực với Trung Quốc.

ASEAN có một số lợi thế trong việc đương đầu với những thách thức địa chính trị hiện nay mà khối này phải đối mặt. Đặc biệt, ASEAN đóng vai trò là nhân tố tăng cường, hợp pháp hóa, xã hội hóa, vùng đệm và đòn bẩy vai trò của các nước thành viên ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Ngày càng có nhiều áp lực đè nặng lên ASEAN và từng nước thành viên trong việc lựa chọn bên trong cuộc “Chiến tranh lạnh mới” liên quan đến cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung.

Việc tăng cường khuôn khổ của chính sách ngoại giao này đưa ra viễn cảnh về một ASEAN bị chia rẽ và suy yếu về thể chế, vai trò trung tâm của ASEAN trong chính sách ngoại giao khu vực trở nên tồi tệ. Vì vậy, phản ứng của ASEAN đối với ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington là nắm quyền sở hữu và phát triển Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình.

Sự cân bằng quyền lực một cách hòa bình giữa Washington và Bắc Kinh là phù hợp nhất với ASEAN, cho phép tổ chức này giữ được không gian riêng để phục vụ lợi ích của các quốc gia thành viên hơn là bất kỳ lợi ích của nước bá quyền nào. Quyền lực chính trị ở châu Á không còn cần phải bám vào quyền lực bá quyền nữa.

Ở Đông Á, trọng tâm là sự phụ thuộc lẫn nhau xuất phát từ mối quan hệ kinh tế, chủ nghĩa khu vực và vai trò bình đẳng của các quốc gia nhỏ, yếu hơn. Trong bối cảnh đó, vai trò trung tâm của ASEAN là rất quan trọng đối với hợp tác kinh tế và chính trị ở khu vực châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục