'Thủ phủ ngành tôm' hướng đến liên minh tôm sạch và bền vững

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, việc thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam là rất cần thiết, trong đó, tỉnh Cà Mau - "thủ phủ ngành tôm" sẽ được chọn làm thí điểm.
'Thủ phủ ngành tôm' hướng đến liên minh tôm sạch và bền vững ảnh 1Thu hoạch tôm càng xanh ở xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính), việc thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam là rất cần thiết; trong đó, sẽ chọn tỉnh Cà Mau làm thí điểm.

Trước ý tưởng này, các “ông chủ lớn” của ngành tôm Cà Mau như Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tập đoàn Việt Úc, Công ty CP, Công ty cổ phần Thủy sản N.G Việt Nam, các hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp hiệu quả trong tỉnh… đã có tiếng nói chung và nhất trí cao phương án tỉnh Cà Mau sẽ tham gia thí điểm tiếp cận mô hình theo tiêu chuẩn của Tổ chức Seafood Watch.

Điều này sẽ đảm bảo việc lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng… tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn và vì mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm.

Việc thành lập Liên minh tôm sạch và bền vững được đánh giá là một trong những xu thế tất yếu trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng; trong đó, ngành tôm đang đứng trước nhiều thách thức về việc tìm kiếm thị trường, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về những sản phẩm tôm sạch, thân thiện với môi trường.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Châu Công Bằng chia sẻ, mặc dù tiềm năng và lợi thế nuôi trồng và chế biến thủy sản của Ecuador không bằng Việt Nam, nhưng lại có sự bứt phá và phát triển vượt bậc.

Do vậy, để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững thì xu hướng tôm sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi là điều tất yếu.

[Làm gì để phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam?]

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải chặt chẽ trong tổ chức sản xuất chuỗi, xây dựng các vùng nuôi chứng nhận quốc tế, đẩy mạnh giám sát cộng đồng trong lĩnh vực này.

Trong buổi làm việc với Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân vừa qua tại tỉnh Cà Mau, các chuyên gia đã dẫn chứng kinh nghiệm từ các nước trên thế giới xuất khẩu tôm sạch: Ecuador, Hà Lan…

Đồng thời chia sẻ những giải pháp khi triển khai chương trình tiếp cận tiêu chuẩn của tổ chức Seafood Watch - một tổ chức đánh giá chất lượng thủy sản độc lập và mang tính tự nguyện, được thị trường và người tiêu dùng Mỹ chấp nhận.

Theo đó, khi tiếp cận với tiêu chuẩn này, các nhà cung cấp phải đảm bảo được các tiêu chuẩn của môi trường, từ đó đưa ra các tiêu chí về luật pháp, thức ăn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường… để áp dụng cho các nhà nuôi tôm.

Các nông hộ nhỏ lẻ cũng có thể áp dụng một cách đơn giản, theo phương pháp tự quản lý chính cơ sở của mình.

Sau đó, Seafood Watch sẽ kiểm tra mẫu từ các cơ sở nuôi tôm cùng với hồ sơ từ các nhà chế biến. Nếu đảm bảo tiêu chuẩn, tôm sẽ được khuyến cáo màu xanh để khách hàng Mỹ lựa chọn.

Dự kiến, đến tháng 7 tới, tỉnh Cà Mau và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân sẽ họp thống nhất đề xuất mục tiêu, cơ quan bảo hộ, cơ quan tư vấn kỹ thuật; chuẩn bị điều lệ, vai trò của các bên, xúc tiến thỏa thuận hợp tác với đối tác; thực thi thỏa thuận, mở rộng thành viên.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh thị trường ngày càng thay đổi, buộc chúng ta phải thay đổi để thích nghi, chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng. Liên minh phát triển ngành tôm sạch theo hướng bền vững là tất yếu.

Qua việc thí điểm 50 hộ dân nuôi tôm có chứng nhận quốc tế đã đem lại nhiều đúc kết nhiều kinh nghiệm cho bài toán đưa con tôm qua các thị trường tiềm năng và khó tính.

Là doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi tôm có chứng nhận quốc tế cũng như xây dựng mối quan hệ với các thị trường khó tính trên thế giới, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện có sản phẩm có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thông qua việc sở hữu các chuỗi giá trị khép kín và có trách nhiệm, Minh Phú đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, mang lại những giá trị tốt đẹp cho tất cả các thành viên liên quan, đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới với vị thế là nhà cung ứng tôm chất lượng hàng đầu.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho hay với quyết tâm xây dựng các vùng nuôi có chứng nhận quốc tế, công ty đã tập trung hơn 300 nhân viên giám sát thu hoạch vùng nuôi, xây dựng phòng kiểm kháng sinh vùng nuôi hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty còn có hơn 20 chuẩn xuất khẩu tôm quốc tế trong số hàng trăm chuẩn. Đặc biệt, có những chuẩn chỉ xuất khẩu vài tấn tôm, nhưng không vì thế mà công ty e ngại, tất cả vì mục tiêu phát triển của ngành tôm.

Những năm qua, Công ty cổ phần Thủy sản N.G Việt Nam luôn là đơn vị nuôi tôm rất thành công nhiều năm liền ở xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển), hiện đã phát triển bền vững và có vị thế nhất định trong ngành.

Ông Hoàng Văn Hoan, Giám đốc dự án Công ty cổ phần Thủy sản N.G Việt Nam cho rằng, công ty rất đồng tình với chủ trương liên minh trong sản xuất, nuôi trồng và chế biến ngành hàng tôm Cà Mau.

Tới đây, mong ngành chức năng cần nghiên cứu kỹ bộ tiêu chí, xem tiêu chí nào phù hợp và không phù hợp để các doanh nghiệp triển khai sao cho hiệu quả mang lại cao nhất.

Về phía các hợp tác xã trong tỉnh Cà Mau cũng đều mong muốn được hỗ trợ vốn để đầu tư nuôi trồng theo hướng siêu thâm canh công nghệ cao, khi các đơn vị tài chính chưa thực sự nhiệt tình trong khi hiệu quả các vụ nuôi đã được kiểm chứng.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngân hàng trong chuỗi liên kết cần phải chủ động hơn trong việc hỗ trợ các hợp tác xã về khoản vốn vay, có vậy họ mới có cơ hội đầu tư sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị, bởi lẽ đây là một trong những nhân tố tích cực cung ứng khối lượng lớn tôm cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh thêm, ý tưởng xây dựng liên minh tôm sạch là mục tiêu mà thời gian qua tỉnh Cà Mau đang theo đuổi.

Sau khi đã thống nhất quyết tâm xây dựng mô hình này, đề nghị các sở, ngành, đơn vị có liên quan bắt đầu chuẩn bị lộ trình cụ thể mà bên Seafood Watch đã đề xuất.

Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổ chức Seafood Watch và các đơn vị có liên quan hình thành một tổ điều phối với nhiều thành phần cụ thể, sau đó bàn bạc xây dựng kế hoạch, lộ trình để thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.