Theo kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương phải tinh giản tối thiểu 10% cán bộ công chức, viên chức trong khoảng từ năm 2015 tới năm 2021. Như vậy một năm, mỗi cơ quan, đơn vị phải tinh giản tối thiểu 1,5%.
Đây là vấn đề theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan và theo kế hoạch cụ thể của từng năm.
Thông tin thêm tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 27/11, lãnh đạo Bộ Nội vụ khằng định, việc tinh giản được triển khai lần này không chỉ đơn thuần chỉ giảm về số lượng mà mục tiêu chính là thông qua tinh giản nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xã hội
Đây là vấn đề mà theo Thứ trưởng Tuấn, sẽ có ba điểm mấu chốt, trong đó việc đầu tiên là gắn thẩm quyền trách nhiệm người đứng đầu.
Tiếp đó, hàng năm các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản cũng như xác định chỉ tiêu của đơn vị mình tối thiểu từ 1,5% mỗi năm trở lên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
"Khi được phê duyệt thì người đứng đầu mỗi cơ quan phải triển khai thực hiện, nếu không hoàn thành thì có thể coi là một trong các yếu tố đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ," lãnh đạo Bộ Nội vụ nói.
Nguyên tắc cuối cùng theo Thứ trưởng là thực hiện nguyên tắc ra "ra 2, vào 1," tức là các đơn vị chỉ được tuyển 50% trên tổng số những người đã nghỉ theo diện nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế.
Về đề xuất tỷ lệ tinh giản biên chế ở một số cơ quan, bộ, ngành nên là 40%, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, vấn đề này phụ thuộc vào đánh giá, phân loại cán bộ của từng đơn vị.
"Có nơi tinh giản 10% hoặc 20%, điều này còn phụ thuộc chất lượng đội ngũ công chức, viên chức mỗi đơn vị," Thứ trưởng nhấn mạnh.
"Người đứng đầu các cơ quan đòi hỏi phải bản lĩnh, đánh giá khách quan công bằng thì việc thực hiện tinh giản biên chế mới đúng mục tiêu đặt ra," Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhận định./.