Thông tin về vụ việc của Công ty Asanzo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ vụ việc.
[Nhiều siêu thị điện máy tại Hà Nội dừng bán sản phẩm Asanzo]
Tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/7, tại Hà Nội, theo ông Hải, việc nhập khẩu các cụm linh kiện có xuất xứ Trung Quốc sau đó về làm thành sản phẩm và dán mác xuất xứ Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương để kiểm tra xử lý, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
“Hiện Bộ Công Thương đang tích cực và làm việc hết sức trách nhiệm và phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” ông Đỗ Thắng Hải nói.
- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói về vi phạm của công ty Asanzo:
Cung cấp thêm thông tin, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho hay, đối với các mặt hàng lưu thông trên thị trường trong nước, Chính phủ đã có Nghị định 43/CP nêu nhiều quy định về nhãn hàng hóa.
Theo đó, với yêu cầu bắt buộc là các sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, kể cả nhập khẩu đều phải có nhãn hàng hóa, có tên của nhà sản xuất, tổ chức cá nhận chịu trách nhiệm hàng hóa…
Cụ thể, Nghị định 43/CP có Điều 15 quy định các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân lưu thông hàng hóa có trách nhiệm tự xác định thông tin đưa lên hàng hóa đó.
Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau, trong đó có các quy định về xuất xứ hàng hóa, do vậy ông cho rằng, cần phân biệt các quy định về xuất xứ hàng hóa mà Việt Nam thực hiện theo luật hóa quốc tế khi ký các FTA.
“Sắp tới Việt Nam sẽ có văn bản riêng để phục vụ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường, chưa phải gắn việc xác định nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam,” ông Trần Thanh Hải nói.
Đại diện Cục xuất nhập khẩu cũng thừa nhận, hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc xác định xuất xứ tỷ lệ hàng hóa thế nào thì được gọi là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, hoặc hàng hóa của Việt Nam.
Do vậy, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan xây dựng văn bản quy định về hàng hóa sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dưới dạng thông tư, qua đó có thể đóng góp cho việc ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại./.