Thủ tướng Ấn Độ công du Nga và Trung Á thúc đẩy hợp tác kinh tế

Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nga, và đặc biệt là 5 nước Trung Á được cho là một sự kiện “bước ngoặt” nhằm phục hồi các mối liên kết kinh tế cổ xưa với khu vực này.
Thủ tướng Ấn Độ công du Nga và Trung Á thúc đẩy hợp tác kinh tế ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ bắt đầu chuyến công du 8 ngày tới Nga và năm nước Trung Á nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và chiến lược với khu vực, đồng thời tham dự hội nghị cấp cao Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Ufa của Nga.

Chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới các nước Trung Á được cho là một sự kiện “bước ngoặt” nhằm phục hồi các mối liên kết cổ xưa với khu vực.

Phát biểu tại New Delhi ngày 5/7, Thủ tướng Modi tin tưởng rằng chuyến thăm của ông sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với Nga và các nước Trung Á, cũng như các nước thành viên khác trong khối BRICS và SCO.

Trong khuôn khổ chuyến thăm các nước Trung Á, ông sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao và ký các thỏa thuận quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương với từng nước.

Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) ước tính kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ với năm nước Kazakhstan, Turkmenistan, Tadjikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan có thể tăng nhiều lần so với mức 1,4 tỷ USD hiện nay.

Trong khi nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển thêm các hành lang vận tải kết nối Ấn Độ với khu vực Trung Á, CII cho rằng cần triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu-khí PAPI (Turkmenistan-Afghanistan-Iran-Pakistan).

Theo CII, có những lĩnh vực lớn cho Ấn Độ hợp tác tại khu vực Trung Á, trong đó có dầu khí, khoáng sản, sản xuất nông nghiệp, dược phẩm, dệt may và hóa chất. Giao thương giữa Ấn Độ với khu vực này có thể tăng gấp nhiều lần nếu có sự kết nối đúng.

Trong khi đó, theo ASSOCHAM, quyết định của Chính phủ Ấn Độ tăng trần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực quốc phòng lên 49% dự kiến sẽ thu hút thêm đầu tư, đặc biệt từ Nga vào lĩnh vực này.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Nga hiện vẫn dưới tiềm năng, chỉ ở mức 8 tỷ USD. Với chính sách nới lỏng FDI trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, Ấn Độ sẽ phối hợp với Nga thành lập một Đặc khu kinh tế về quốc phòng và không gian.

Trong khi nêu bật tầm quan trọng của quan hệ Nga-Ấn, Tổng thư ký ASSOCHAM D.S Rawat nói: “Nga là người bạn cũ đáng tin cậy của Ấn Độ. Ấn Độ sẽ luôn đứng bên cạnh và tăng cường sự hợp tác kinh tế đầy đủ nhất khi Nga cần.”/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.