Thủ tướng Anh đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần 2

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về khả năng lãnh đạo trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông Anh ngày 22/4 đưa tin Thủ tướng nước này Theresa May sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về khả năng lãnh đạo trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.

Đây sẽ là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thứ 2 đối với Thủ tướng May kể từ tháng 12/2018 và được cho là nỗ lực của các nghị sỹ Bảo thủ nhằm bãi nhiệm nhà lãnh đạo này do cách giải quyết của bà trong vấn đề đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. 

Theo hãng tin BBC, hơn 70 nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ tại các địa phương ở Anh đã ký đơn kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc họp toàn thể bất thường, trong đó chức vụ của Thủ tướng May đứng đầu chương trình nghị sự.

Báo Daily Telegraph cho biết những người này yêu cầu tổ chức phiên họp toàn thể của đảng Bảo thủ để thảo luận về khả năng lãnh đạo đảng của bà May.

[Doanh nghiệp Anh dự trữ hàng hóa đề phòng Brexit không thỏa thuận]

Trong khi đó, báo Evening Standard đưa tin một cuộc bỏ phiếu không ràng buộc dự kiến sẽ được tổ chức trong khuôn khổ cuộc họp.

Nếu bà May không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này, cuộc họp toàn thể sẽ buộc Ủy ban 1992 gồm các nghị sĩ đảng Bảo thủ phải tìm cách yêu cầu Thủ tướng May rời nhiệm sở.

Hơn 800 thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ, trong đó có những nhà lãnh đạo đảng ở địa phương, sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu này.

Trước đó, Thủ tướng May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 12 năm ngoái. Theo các quy định của đảng Bảo thủ, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tiếp theo phải diễn ra sau cuộc bỏ phiếu trước đó ít nhất 1 năm.

Tuy nhiên, trong trường hợp có nhiều hơn 65 nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ ở các địa phương ký đơn kiến nghị yêu cầu tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm, một cuộc họp toàn thể bất thường phải được triệu tập.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra tình huống này trong đảng Bảo thủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.