Thủ tướng chỉ đạo chủ động đối phó với mưa lũ sau bão số 3

Bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền, gây gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, mưa lớn tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với tổng lượng mưa trên 100mm.
Thủ tướng chỉ đạo chủ động đối phó với mưa lũ sau bão số 3 ảnh 1Mưa lớn do bão số 3 gây ngập nhiều tuyến phố ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1494/CĐ-TTg ngày 19/8/2016 về việc chủ động đối phó với mưa lũ sau bão số 3 năm 2016.

Công điện nêu rõ:

Bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền, gây gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, mưa lớn tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với tổng lượng mưa trên 100mm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, trong ngày hôm nay và ngày mai, tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, trung du và miền núi phía Bắc sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, một số nơi có thể lớn hơn. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại đồng bằng và đô thị, lũ quét, nhất là lũ ống, sạt lở đất tại trung du, vùng núi, đặc biệt tại các khu vực đã xảy ra mưa lớn trong những ngày vừa qua.

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó với mưa lũ sau bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, tránh tư tưởng chủ quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1478/CĐ-TTg ngày 18/8/2016, tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1.Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An:

- Đảm bảo thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa, lũ để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.

- Dừng tất cả các cuộc họp không thực sự cấp bách, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập úng với phương châm triển khai quyết liệt, ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

- Bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân.

- Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; có phương án bảo vệ hỗ trợ người dân, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn gây ngập úng, cô lập.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ:

Chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão, huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch, chủ động khuyến cáo khách du lịch hạn chế đi lại ở các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là trong 2 ngày cuối tuần.

4. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

5. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan có phương án cụ thể bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, an toàn hệ thống lưới điện, tập trung khắc phục ngay các sự cố đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhất là nguồn điện phục vụ bơm tiêu úng chống ngập.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

7. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời để chính quyền và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh chủ quan.

8. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với mưa lũ khi có yêu cầu.

9. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục