Nhấn mạnh tại phiên họp trực tuyến Chính phủ diễn ra sáng 3/7, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hà Nội có giải pháp để mở rộng thêm địa bàn và người dân được sử dụng nước sạch.
Theo Thủ tướng, việc Hà Nội đẩy mạnh hút 80% vốn xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng giao thông đô thị trị giá 422.000 tỷ đồng là hướng đi đúng. Tuy vậy, việc đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sạch nhất là nước sạch cho các địa bàn vùng nông thôn và khu vực ngoại thành là một yêu cầu từ thực tế.
"Việc nhiều người dân chưa được dùng nước sạch thì thành phố cần phải tìm cách, người dân không thể bơm và dùng nước giếng mãi được," Thủ tướng lưu ý.
Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 4,33 triệu người ở khu vực nông thôn, Thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn.
Theo đó, Hà Nội đã phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án nước sạch với tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86,6%, tăng 49,4% so với thời điểm cuối năm 2016 cũng như sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân ở 200 xã được dùng nước sạch.
Chất lượng sống ở khu vực nông thôn Hà Nội ngày càng nâng cao
Tính đến hết tháng 6/2017, khu vực nội thành cấp nước được 4,6 triệu nhân khẩu (tăng được 2%, bằng 45.000 hộ, 226.000 nhân khẩu). Ngoài ra, khu vực nông thôn cấp nước sạch được 1,747 triệu nhân khẩu, 436.800 hộ, đạt tỷ lệ 40 %, với khoảng 155/486 xã (tăng được 2,8%, bằng 33.800 hộ, 135.200 người).
Nói rõ hơn, theo ông Nguyễn Đức Chung, tính đến thời điểm hiện nay, Thành phố đã cấp chủ trương đầu tư đảm bảo cung cấp nước sạch cho 364/386 xã. Như vậy, vẫn còn khoảng 22 xã, tương đương 262.162 nhân khẩu chưa có nhà đầu tư hệ thống cấp nước sạch, bao gồm các địa bàn như: Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh.
"Thành phố đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa mạng cấp nước, đảm bảo đến năm 2020, 100% xã được cung cấp nước sạch," Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho hay./.