Chiều 11/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp lần thứ 65 của Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương để kiểm điểm công tác và triển khai các nhiệm vụ năm 2016.
Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Thực hiện chủ đề: Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và 5 nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao.
Cụ thể như phong trào thi đua thực hiện tốt Nghị quyết 01/CP/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; gắn với tổ chức thành công cuộc bầu cử đ ại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng ban hành các Nghị quyết 19/CP và 35/CP với tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; gặp gỡ đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, các sự kiện này đã tạo không khí mới cho phong trào khởi nghiệp, truyền cảm hứng cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các phong trào thi đua thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, đa dạng, phong phú, gắn với các nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Thủ tướng nhìn nhận, chất lượng của công tác khen thưởng đã được nâng lên. 15% bằng khen của Thủ tướng trực tiếp dành cho người lao động, dù tỷ lệ này chưa cao nhưng đã bước đầu thể hiện tinh thần hướng phong trào thi đua đến trực tiếp người lao động.
Song Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong công tác thi đua khen thưởng như hiệu quả một số phong trào thi đua chưa cao, còn hình thức, chưa lượng hóa và chưa đi vào chiều sâu. Công tác đổi mới sáng tạo của phong trào thi đua chưa phổ biến, công tác tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Một vài cá nhân được khen thưởng chưa thực sự xuất sắc, chưa tạo chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và chưa lan tỏa trong xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới của đất nước, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chỉ đạo tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào thi đua trong cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, từng cá nhân, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là trong thời điểm đất nước đang gặp nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng đề nghị không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà các phong trào thi đua phải được triển khai mạnh mẽ cả trong các lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, chú trọng thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.”
Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thi đua để góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.
“Trong tình hình mới, cần thực hiện tốt phong trào thi đua lĩnh vực quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; đổi mới, phát huy phong trào thi đua yêu nước của tổ chức, đoàn thể nhân dân, tập hợp khối đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi tiềm năng, nguồn lực xã hội của nhân dân vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của đất nước," Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng quy định về tổ chức các giải thưởng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tình trạng giải thưởng tràn lan, hình thức. Cùng với đó, để các nhân tố tích cực, các điển hình tiên tiến được khen thưởng thực chất, tạo sự lan tỏa thực sự trong xã hội, Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng định hướng công tác thi đua phải thiết thực, hiệu quả hơn. Các phong trào thi đua phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng ngành. Hình thức thi đua phải phong phú, thiết thực đem lại tác động tích cực cho xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong kháng chiến, đặc biệt là phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, mà do yếu tố khách quan chưa thực hiện được.
Bài học kinh nghiệm và cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng nêu lên, đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền. Các cơ quan truyền thông, báo chí phải có vai trò tích cực trong phát hiện, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng yêu cầu Hội đồng khen thưởng Trung ương cũng phải chủ động trong xây dựng văn bản pháp luật về thi đua-khen thưởng, trong đó có cả khen thưởng tập thể và cá nhân người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra giám sát công tác thi đua khen thưởng tại các bộ, ngành, địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trìn triển khai nhiệm vụ này, góp phần phát huy hiệu quả to lớn của thi đua khen thưởng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.