Thủ tướng đối thoại với các CEO trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Thủ tướng khẳng định dù TPP có được thông qua hay không thì hiện Việt Nam đã có hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó FTA với Liên minh châu Âu (EU) và các hiệp định liên quan khác.
Thủ tướng đối thoại với các CEO trong lĩnh vực công nghệ thông tin ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại diện các doanh nghiệp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 19/1 theo giờ Việt Nam, bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại cởi mở và thẳng với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực liên quan. Đây cũng là những doanh nghiệp thành viên của WEF.

Phát biểu tại buổi đối thoại, với tinh thần cởi mở, thông tin đến các nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi diện mạo thế giới và phương thức sống và làm việc của con người.

Tại Việt Nam, lĩnh vực công nghệ thông tin đang phát triển bùng nổ và từng bước “thông minh hóa” nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục...

Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin, viễn thông tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay khoảng 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới; có hơn một nửa dân số sử dụng Internet.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, máy vi tính, máy ảnh và các loại linh kiện đạt hơn 55 tỷ USD. Việt Nam nằm trong Top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Top 30 thế giới về gia công phần mềm.

Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đứng trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Năm 2017, Việt Nam đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung," trong đó có chương trình ưu tiên là tăng cường năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số và đổi mới, sáng tạo về công nghệ thông tin là một động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu.

Ngay sau phần phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã có nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ thông tin và một số lĩnh vực đặt câu hỏi với Thủ tướng về nhiều vấn đề quan tâm.

Giải đáp thắc mắc của ông Jim Baber, Chủ tịch Công ty UPS International, về mong muốn hợp tác vận tải hàng không tại Việt Nam trong bối cảnh tương lai chưa rõ ràng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam chủ trương mở cửa bầu trời và sẵn sàng lắng nghe, giải quyết thủ tục của các doanh nghiệp hàng không.

Dù TPP có được thông qua hay không thì hiện Việt Nam đã có hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó FTA với Liên minh châu Âu (EU) và các hiệp định liên quan khác. Việt Nam vẫn thực hiện chủ trương tự do hóa thương mại, tiếp tục cải cách hải quan, nhất là áp dụng hải quan điện tử. Việt Nam là một trong số ít nước ở khu vực châu Á áp dụng visa điện tử cho các du khách.

Tại buổi đối thoại Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đã trực tiếp trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế về những vấn đề hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh ông Joe Kaeser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Siemens, về đề xuất phối hợp với cơ quan, tổ chức của Việt Nam để xây dựng một chương trình đào tạo cho các thực tập sinh và sinh viên của Việt Nam ngay tại Siemens.

Hiện tập đoàn công nghệ thông tin với lịch sử 200 năm này đã có chương trình đào tạo cho hơn 2.000 thực tập sinh cho 48 quốc gia trên thế giới.

Đề xuất này xuất phát từ việc Chủ tịch Kaeser đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của con người Việt Nam và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.