Thủ tướng đối thoại với các nhà đầu tư hàng đầu của Đức

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với một số doanh nghiệp hàng đầu của Đức về môi trường kinh tế và chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.
Thủ tướng đối thoại với các nhà đầu tư hàng đầu của Đức ảnh 1Thủ tướng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến tham quan nhà máy sản xuất turbine khí của Hãng Siemens. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc tại Đức và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, sáng 6/7 theo giờ địa phương (tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành trong đoàn cấp cao Việt Nam đã gặp gỡ, đối thoại với một số doanh nghiệp hàng đầu của Đức trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính, y tế, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao…

Tại buổi đối thoại, thông tin đến các doanh nghiệp Đức về điểm đến đầu tư hấp dẫn Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh đang không ngừng được cải thiện ngày càng thuận lợi.

Cùng với việc chuyển dịch tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, Việt Nam còn tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đang nỗ lực phấn đấu thuộc nhóm đứng đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về môi trường kinh doanh.

[Thủ tướng gặp Thủ hiến bang kiêm Thị trưởng thủ đô Berlin]

Nhấn mạnh Đức là một trong những đối tác ưu tiên của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng cho biết có nhiều doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam hiệu quả, góp phần đưa kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Đức lên trên 9 tỷ USD.

Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới, đồng thời nằm trong top 10 khu vực châu Á-Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm.

Việt Nam và Đức có thể thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng như thương mại, đầu tư, đào tạo, năng lượng, du lịch, công nghệ thông tin.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các doanh nghiệp Đức đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực là thế mạnh của nền công nghiệp hàng đầu châu Âu và thế giới, trong đó có các ngành công nghiệp 4.0, y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp công nghệ cao, các dự án năng lượng tái tạo, giải pháp thông minh tiết kiệm điện cho thành phố và người dân…

Ghi nhận và phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp giải đáp một số vấn đề, đồng thời yêu cầu lãnh đạo một số bộ giải đáp những câu hỏi của các nhà đầu tư.

Ông Cedrik Neike, thành viên Hội đồng quản trị Siemens cho biết đang tăng cường hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp số hóa và công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Siemens là tập đoàn công nghiệp lớn hàng đầu ở châu Âu và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc cung cấp năng lượng xanh và chăm sóc y tế. Siemens và các công ty của Đức cũng muốn tham gia thúc đẩy dự án tàu điện ngầm ở thành phố Hồ Chí Minh, hay việc đầu tư xây dựng các turbine khí.

Đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những cải cách về pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Giám đốc tài chính của Bayer Healthcare Pharma, ông Julio Triana cho biết công ty lịch sử hơn 100 năm này hoạt động trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp và hiện có 15.000 nhân viên. Công ty đã có mặt ở Việt Nam từ cách đây 20 năm và mong muốn đầu tư mạnh mẽ hơn ở Việt Nam về y tế và nông nghiệp.

Ông Karsten Vierke, Tổng Giám đốc của Philips Lighting DACH cho biết doanh nghiệp này mong muốn đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển thành phố thông minh, trong đó áp dụng công nghệ hiện đại nhất của hãng có thể tiết kiệm tới 65% điện năng.

Hoan nghênh ý tưởng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ở Việt Nam, cứ tăng trưởng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì tiêu thụ thêm 2% điện năng, tức là chi phí này rất lớn và cần phải giảm trong thời gian tới.

Vì vậy, công nghệ có thể giúp giảm 65% năng lượng điện là rất có ý nghĩa và sẽ mang lại hiệu quả cao về kinh tế và môi trường. Thủ tướng mong muốn hãng Philips Lighting DACH sẽ sớm hợp tác với Việt Nam triển khai dự án này tại các thành phố lớn và một số địa phương đã có chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng cũng hoan nghênh nhà đầu tư Deutsche Bank của Đức đã hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực tài chính và quan tâm đến phát triển số hóa ở Việt Nam trong lĩnh vực này, trong đó có lĩnh vực chứng khoán.

Thủ tướng cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định và tăng trưởng liên tục. Chỉ số VN-Index tăng cao nhất trong 9 năm qua và mong muốn nhà đầu tư Đức cùng tham gia áp dụng công nghệ số vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Thủ tướng cũng hoan nghênh nhà đầu tư Đức tham gia vào việc nâng cao chất lượng y tế ở Việt Nam, trong đó có việc sản xuất thuốc chất lượng tốt nhưng có giá cả hợp lý hơn để mang lại lợi ích cho người bệnh.

Về câu hỏi của nhà đầu tư Đức có chính sách dài hạn để phát triển ngành năng lượng tái tạo, thu hút nhà đầu tư làm ăn lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng đã ký một quyết định trong đó điều chỉnh giá điện mặt trời lên 9,35 cent/1kwh, đây là một mức giá cao.

Việt Nam còn có tiềm năng lớn về các nguồn năng lượng tái tạo như gió và sóng biển, nên mong muốn các nhà đầu tư Đức, với công nghệ cao, nghiên cứu đầu tư ở Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Đức đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam gắn với sản xuất thay vì tập trung vào tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện, quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhà đầu tư, coi thắng lợi của các nhà đầu tư là thắng lợi của Việt Nam.

Cũng trong sáng 6/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm cơ sở sản xuất turbine khí – một trong những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và là một thế mạnh của Tập đoàn Siemens. Hiện Tập đoàn hoạt động tại 190 quốc gia với 351.000 nhân viên và đạt doanh thu năm 2016 là 79,65 tỷ euro.

Siemens có mặt tại Việt Nam từ năm 1979 với việc cung cấp và lắp đặt hai turbine hơi công nghiệp ở Nhà máy giấy Bãi Bằng.

Trong những năm qua, Siemens đã tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở Việt Nam và tham gia vào các lĩnh vực như điện-khí, quản lý nguồn điện, cơ khí, sản xuất thiết bị y tế...

Năm 2005, công ty thành lập Nhà máy Hệ thống tự động hóa Siemens tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, tỉnh Bình Dương chuyên sản xuất hệ thống thanh cái dẫn diện dùng cho truyền tải và phân phối điện.

Bên cạnh là đơn vị thiết kế quy hoạch đầu tiên cho các tuyến Metro thành phố Hồ Chí Minh, Siemens còn mong muốn tham gia thúc đẩy dự án tàu điện ngầm tại đây, cũng như việc đầu tư xây dựng các turbine khí tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.