Thủ tướng đồng chủ trì Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của GMS

Thủ tướng nhấn mạnh khu vực GMS đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình góp phần tăng thêm gam màu tươi sáng của bức tranh phát triển cả châu lục.
Thủ tướng đồng chủ trì Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của GMS ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn GMS dự Phiên toàn thể. (Ảnh: TTXVN)

Chiều tối 30/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước thành viên đồng chủ trì Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS.

Đây là một sáng kiến quan trọng của Việt Nam nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, ASEAN và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong phiên khai mạc sáng nay, các đại biểu đã thảo luận về tình trạng hội nhập kinh tế GMS, thách thức và động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực GMS; Các mô hình kinh doanh mới - Quan điểm của phụ nữ khởi nghiệp và những nhà khởi nghiệp trẻ đến từ các quốc gia GMS; Kế hoạch chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Phát biểu tại phiên đối thoại, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự tham gia đông đảo của gần 2.600 nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực và nhấn mạnh lực lượng này chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mekong.

Thủ tướng cho biết, tiểu vùng Mekong mở rộng GMS là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc với tổng quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD.

Điều này cho thấy nếu các quốc gia, đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS thì sẽ tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung; mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, nằm ở trung tâm của cả khu vực châu Á phát triển năng động, khu vực GMS đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình góp phần tăng thêm gam màu tươi sáng của bức tranh phát triển cả châu lục, đang trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn cầu trong thế kỷ 21.

Theo đó, một tầm nhìn mới cho hợp tác GMS trong tương lai sau 2022, đó là một tiểu vùng Mekong kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được định hình ngay từ lúc này.

Thủ tướng đề nghị các quốc gia thành viên GMS cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do.

Giới thiệu về thành tựu và tiềm năng của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, trong năm 2017, Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu Châu Á, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%, lãi suất, tỷ giá ổn định, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 425 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đến nay đạt trên 60 tỷ USD.

Việt Nam hiện có 25.000 dự án đầu tư nước ngoài FDI đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đầu tư đạt trên 320 tỷ USD. Chỉ số thị trường chứng khoán VN-index năm 2017 tăng 41%, nằm trong Top 3 của thế giới.

[Hội nghị GMS6: Thúc đẩy thương mại mở và hệ thống thương mại đa phương]

Theo Ngân hàng Thế giới WB, chỉ số môi trường kinh doanh (DB 2017) của Việt Nam tăng 14 bậc lên mức 68/190; theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI 2017) tăng 5 bậc lên 55/137 và theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII 2017) tăng 12 bậc lên 47/127...

Khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nhà nước không làm thay thị trường và doanh nghiệp mà tập trung kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi với việc hoàn thiện thể chế, pháp luật chuẩn mực, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế.

Nhà nước quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở, chỉ đầu tư vào những khu vực quan trọng mà các doanh nghiệp tư nhân khó có thể đầu tư.

Việt Nam cũng sẽ không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh; phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của Nhóm OECD.

Việt Nam thực hiện các cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp.

Tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách chính sách thuế và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm còn 15-17%. Việt Nam cũng áp dụng nhiều quy định ưu đãi dành cho đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm…

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với khu vực GMS và CLV, đồng thời xác định trọng tâm trong 2018-2019 là ký kết, phê chuẩn đưa vào hiệu lực 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA Việt Nam-EU, đồng thời đẩy mạnh thực thi hiệu quả 10 FTA đã có hiệu lực, thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP và một số hiệp định khác.

"Chỉ với hiệu lực của CPTPP và Hiệp định với EU, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường lớn của gần 40 nước phát triển. Đó là điều mà các nhà đầu tư quốc tế không thể bỏ qua," Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến giao thông huyết mạch.

Chính phủ Việt Nam cam kết và trên thực tế đang thúc đẩy cụ thể hóa các sáng kiến, ví dụ như ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối hiệu quả nhằm hỗ trợ thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác; ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng và năng lực thích ứng; hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có chuyển đổi sâu sắc, GMS phải có những động lực mới cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mình.

GMS cần tiếp tục giữ được bản sắc riêng, một cơ chế hiệu quả nhằm cộng hưởng được sự quyết tâm và nỗ lực từ tất cả các bên để tạo nên nguồn lực mới giải quyết các khác biệt, mở rộng không gian hợp tác kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Theo Thủ tướng, một nguồn lực mới quan trọng xuất phát từ khai thác hiệu quả những tiến bộ, đột phá của khoa học công nghê bởi hiện nay, nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ mạng toàn cầu, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, người máy… đang lan tỏa và càng mạnh mẽ trong nhiều ngành kinh tế của khu vực.

Song, Thủ tướng cũng khuyến nghị, để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập, cần bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hòa.

Tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong quý báu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.