Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đẩy nhanh ký kết TTIP

Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), coi đây là sự đồng thuận và quan điểm của cả Chính phủ Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đẩy nhanh ký kết TTIP ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin (Đức), Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), coi đây là sự đồng thuận và quan điểm của cả Chính phủ Đức.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, ngày 2/5, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng ký kết hiệp định TTIP, đồng thời cho biết quan điểm này là mong muốn của toàn bộ Chính phủ liên minh cầm quyền giữa liên đảng bảo thủ Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Quan điểm này cũng đã được Thủ tướng Merkel nêu rõ với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông tới thăm Đức tuần trước.

Theo người phát ngôn, TTIP là một cơ hội lớn trong tiến trình toàn cầu hóa và Đức - nền kinh tế quốc dân định hướng xuất khẩu, hoàn toàn ủng hộ một nền thương mại tự do toàn cầu.

Ông cũng cho biết 1/4 số việc làm ở Đức phụ thuộc vào thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tổ chức môi trường Hoà bình Xanh công bố các tài liệu bí mật dày 248 trang liên quan tới hiệp định TTIP, trong đó nhận định hiệp định này đặt lợi ích của các công ty lên trên các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Seibert đã nêu rõ Berlin sẽ không chấp nhận giảm các tiêu chuẩn về xã hội, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng trong đàm phán TTIP.

Cùng ngày 2/5, Uỷ viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmström cũng khẳng định không một thỏa thuận thương mại nào của EU hạ thấp các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, người tiêu dùng và an toàn thực thẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.