Thủ tướng Đức: EU và Mercosur cần thực tế và linh hoạt trong đàm phán FTA

Mercosur được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, xuất khẩu của EU mặc dù vẫn có những e ngại từ các nông dân châu Âu, đặc biệt là ở Pháp về nhập khẩu nông sản giá rẻ từ khối này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 2/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài quá lâu về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có mặt ở thủ đô Berlin, ông Scholz cho biết: “Các cuộc đàm phán hiện nay nên được hoàn tất nhanh chóng. Các cuộc thảo luận kỹ thuật liên quan đến FTA đang tiến triển tốt, đại đa số các quốc gia thành viên EU đều ủng hộ hiệp định này về mặt chính trị.”

Nhà lãnh đạo của Đức nêu rõ: “Chúng tôi cần các bên thực tế và linh hoạt trong những bước cuối cùng của cuộc đàm phán bởi thỏa thuận Mercosur là bước đột phá để đa dạng hóa và tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế của chúng tôi.”

EU và Mercosur đã đàm phán trong hơn 2 thập kỷ qua về việc tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn với quy mô hơn 700 triệu dân. Hiệp định trên nhằm mục đích cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các mặt hàng công nghiệp và dược phẩm của châu Âu cũng như các sản phẩm nông nghiệp.

Mercosur được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, xuất khẩu của EU mặc dù vẫn có những e ngại từ các nông dân châu Âu, đặc biệt là ở Pháp về nhập khẩu nông sản giá rẻ từ khối này và việc thực thi các tiêu chuẩn môi trường.

Hiện Tổng thống Pháp Macron đang kêu gọi xây dựng các điều khoản để bảo vệ nông dân châu Âu nhằm đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mercosur đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự như những sản phẩm được sản xuất trong EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.