Thủ tướng: Dứt khoát đến hết năm 2021 phải gỡ bỏ “thẻ vàng IUU”

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành và địa phương liên quan đến hết năm 2021 phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định để EC gỡ “thẻ vàng IUU.”
Thủ tướng: Dứt khoát đến hết năm 2021 phải gỡ bỏ “thẻ vàng IUU” ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan với các tỉnh, thành phố có biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Cuộc họp được kết nối giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu tại 28 tỉnh, thành phố; 136 huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn có biển.

Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan. Dự họp tại đầu cầu các địa phương là lãnh đạo các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã; tỉnh, thành phố.

Trước cuộc họp, thông qua hệ thống trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số xã, phường và huyện, thị xã với phương châm “xã, phường, thị trấn là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sỹ,” “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể,” trong đó thực hiện 5 nhiệm vụ cơ bản mà các xã, phường và người dân phải thực hiện khi thực hiện giãn cách xã hội.

Đặc biệt, Thủ tướng đã nhắc nhở các xã, phường còn sơ hở nên để lây lan dịch bệnh; việc thực hiện các nhiệm vụ cơ bản khi thực hiện giãn cách xã hội chưa chặt chẽ; yêu cầu các xã, phường, thị trấn thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội phải đưa ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể và phấn đấu đạt kết quả mong muốn; cấp trên phải hỗ trợ cấp dưới để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Về chống khai thác hải sản IUU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, các quy định, hướng dẫn về chống khai thác hải sản IUU; việc triển khai tổ chức thực hiện tại các địa phương; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm tại cơ sở...

Qua kiểm tra cho thấy, lãnh đạo của một số địa phương nắm được chủ trương về chống khai thác hải sản IUU, bày tỏ đồng tình và quyết tâm thực hiện gỡ bỏ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC).

[Làm sao để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu?]

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tại một số địa phương còn thiếu nghiêm túc, lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đúng mức về chống khai thác hải sản IUU và chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến kết quả thực hiện chuyển biến chậm.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; những khó khăn, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; đưa ra mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm dứt khoát gỡ bỏ thẻ vàng IUU của EC.

Thủ tướng: Dứt khoát đến hết năm 2021 phải gỡ bỏ “thẻ vàng IUU” ảnh 2Tàu cá tại Phú Yên. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Theo Thủ tướng, cuộc họp kết nối tới tận xã, phường, thị trấn vì đây là cấp quản lý hành chính gần người dân nhất, trực tiếp tổ chức thực hiện chống đánh bắt hải sản IUU. Các xã, phường, thị trấn phải thực hiện trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chỉ đạo; chính quyền quản lý; nhân dân thực hiện; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội giám sát.

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, sau gần 4 năm Việt Nam triển khai thực hiện chống khai thác hải sản IUU, phía EC đánh giá cao, ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản IUU.

Đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của cấp Trung ương với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản IUU và công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác hải sản IUU...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ chống khai thác IUU như: Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến; chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó các địa phương có tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn thấp như Quảng Trị, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Ninh...

Ngoài ra, công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác hải sản IUU còn rất thấp.

Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, nhiều địa phương tổ chức thực hiện chưa nghiêm, còn mang tính chất đối phó.

Việc triển khai Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng còn chậm; mới chỉ tập trung làm tốt công tác kiểm dịch; việc thanh kiểm tra theo quy định của Hiệp định để đảm bảo việc kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là sản phẩm hợp pháp chưa đáp ứng yêu cầu...

Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, các bộ, ngành, địa phương cho rằng: cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá để phục vụ cho kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và 28 tỉnh ven biển trong triển khai các biện pháp để xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định đối với hành vi khai thác hải sản IUU, đặc biệt là công tác điều tra, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời.

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, vì lợi ích kinh tế cá nhân trước mắt, cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Người đứng đầu một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác hải sản IUU về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến kết quả thực hiện chuyển biển chậm. Công tác thông tin, truyền thông chưa tốt.

Bên cạnh đó vẫn có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ khai thác chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản IUU...

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ngành thủy sản nói chung, lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội; ngư dân là người đóng góp trực tiếp phát triển ngành khai thác thủy sản, phát triển đất nước và tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Thủ tướng: Dứt khoát đến hết năm 2021 phải gỡ bỏ “thẻ vàng IUU” ảnh 3Thương lái cân cá ngừ đại dương tại cảng cá Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cơ bản đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định nên EC đã áp dụng thẻ vàng IUU đối với khai thác thủy sản của nước ta.

Việc EC đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam gây ảnh hưởng đến ngành thuỷ sản Việt Nam và đời sống của ngư dân; ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước trong bối cảnh chúng ta đang tích cực hội nhập sâu rộng.

Thời gian qua, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; các ban, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển đã rất tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản IUU.

Phía EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 2 lần vào các năm 2017, 2019; ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chúng ta và giảm từ 9 xuống 4 khuyến nghị đối với Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác hải sản IUU chưa nghiêm; có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền, nhắc nhở…

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của tình trạng trên không chỉ từ nhận thức của người dân, mà còn là tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa quyết liệt của một bộ phận cán bộ, cơ quan trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đến hết năm 2021 Việt Nam phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định để EC gỡ “thẻ vàng IUU.”

Đây không chỉ vì lợi ích riêng của Việt Nam mà vì bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản chung của khu vực và quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng thống nhất với các đề xuất, giải pháp mà các đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã nêu; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là 28 tỉnh, thành phố, 136 huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn có biển phải khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Trong đó các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản IUU phối hợp, hoạt động quyết liệt, mạnh mẽ, thường xuyên hơn nữa; phân cấp, phân quyền rõ ràng, cụ thể. Trên cơ sở đó triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, quy định của Đảng, Nhà nước về chống khai thác hải sản IUU.

Các ngành, địa phương phải triển khai, quán triệt các chỉ đạo, quy định đến tận người dân; thực hiện nghiêm quản lý Nhà nước, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng đối tượng; tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân hiệu quả, thiết thực để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”; góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về chống khai thác hải sản IUU; thúc đẩy và huy động các nguồn lực vào phát triển hạ tầng thủy sản…

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu cá để phát hiện, ngăn chặn xử lý nếu có vi phạm.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn; nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam; trao đổi với cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời đấu tranh, bảo vệ lợi ích, quyền lợi chính đáng của ngư dân ta.

Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chống khai thác hải sản IUU ở cơ sở; thúc đẩy đầu tư hạ tầng thủy sản; ứng dụng phát triển hạ tầng số, quản lý tàu tá; thúc đẩy hợp tác quốc tế nghề cá. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí hợp lý đầu tư hạ tầng nghề cá, nhất là hạ tầng số nghề cá. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đẩy mạnh đào tạo nghề và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm, cùng các địa phương, Bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, động viên, khích lệ người dân chống khai thác hải sản IUU; triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ quản lý tàu cá.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản yêu cầu các doanh nghiệp kiên quyết từ chối thu mua, chế biến thủy hải sản có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; phối hợp với các cơ quan chống hợp thức hóa hồ sơ nguồn gốc thủy hải sản…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, chất dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, để EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng IUU”; ngư dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong gỡ bỏ “thẻ vàng IUU,” vì cuộc sống của chính mình, vì phát triển kinh tế đất nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.