Thủ tướng gặp gỡ lãnh đạo 21 doanh nghiệp hàng đầu thế giới

Sáng 12/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, tọa đàm với lãnh đạo 21 doanh nghiệp hàng đầu thế giới thuộc nhiều quốc gia với hoạt động sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng gặp gỡ lãnh đạo 21 doanh nghiệp hàng đầu thế giới ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu Tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp WEF về kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 12/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục các hoạt động tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra ở Phnom Penh, Campuchia với các cuộc tọa đàm, gặp gỡ về hoạt động đầu tư tại Việt Nam với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn thành viên của WEF.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler gặp gỡ, tọa đàm với lãnh đạo 21 doanh nghiệp hàng đầu thế giới thuộc nhiều quốc gia với hoạt động sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu như: Công ty Visa, Golden Gates Ventures & Bragiel Brothers, Marsh (Mỹ), OPTrust (Canada), Unison Capital, Mitsubishi (Nhật Bản), Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, Hanwha (Hàn Quốc), Ngân hàng Standard and Chartered (Anh), Ngân hàng Thuỵ Sỹ Geneva, Temasek (Singapore), Eastpring Investment (Hong Kong, Trung Quốc)...


[Thủ tướng tiếp các lãnh đạo WEF, AIIB và Tập đoàn Cisco]

Tại buổi đối thoại, dẫn câu tục ngữ của Việt Nam là “Có công mài sắt, có ngày nên kim,” Thủ tướng chia sẻ với các nhà đầu tư về những thách thức cũng như quyết tâm thành công và bày tỏ tin tưởng các nhà đầu tư sẽ thành công ở Việt Nam.

Thủ tướng nêu bật tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam, đánh giá kinh doanh ở Việt Nam không chỉ là tiếp cận thị trường trên 93 triệu dân mà còn là thị trường của ASEAN và thế giới, nhất là khi Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới có độ mở lớn, tiêu chuẩn cao và đang đàm phán 4 hiệp định FTA khác.

Thủ tướng nhấn mạnh công cuộc đổi mới với những chính sách hết sức cởi mở đã đem lại nhiều thành công cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định chính phủ tiếp tục tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ cao cũng như cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tài sản cho các nhà đầu tư. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc ủng hộ mạnh mẽ các doanh nghiệp khởi nghiệp và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.

Cũng tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ đã trực tiếp giải đáp về những vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm.

Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler chia sẻ ông nhìn nhận khu vực sông Mê Công, trong đó có Việt Nam, là khu vực rất năng động, có dân số trẻ và mong muốn các doanh nghiệp đầu tư, tạo nhiều việc làm cho giới trẻ. Ông Philipp Roesler cho rằng các doanh nghiệp cũng cần môi trường ổn định, thuận lợi và hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp WEF để tăng cường hợp tác cùng có lợi.

Lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia đối thoại đánh giá cao quyết tâm đổi mới, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp và bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác, đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Trưa cùng ngày, Thủ tướng đã dự buổi gặp mặt do WEF và Vinacapital tổ chức có sự tham dự của đông đảo các đại biểu, doanh nghiệp tham dự WEF với nội dung tọa đàm về Việt Nam. Tại đây, Thủ tướng đã nêu bật các thành tựu phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là tiếp tục giữ vững ổn định chính trị-xã hội và kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% từ nay đến năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; khuyến khích mạnh mẽ kinh tế tư nhân phát triển để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Cùng với đó, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển; cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, đổi mới căn bản mô hình và phương thức tăng trưởng, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước theo cơ chế thị trường; phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu của môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của 4 nước hàng đầu ASEAN; nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục