Thủ tướng Hà Lan: Tiếp tục bỏ rào cản để doanh nghiệp hai bên hợp tác

Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte khẳng định ông “không phàn nàn về việc kinh doanh tại Việt Nam” và “ghen tỵ" với sự tăng trưởng của Việt Nam.
Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, trưa 9/4, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự cuộc Tọa đàm với 70 doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan và lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam và Hà Lan tuy cách xa nhau về địa lý nhưng đã có mối quan hệ giao thương từ lâu đời.

Đầu thế kỷ XVII, các đội tàu buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã cập cảng Hội An ở tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, góp phần đưa cảng Hội An tham gia vào mạng lưới thương mại toàn cầu ngay từ buổi đầu sơ khai, đồng thời cũng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối giao thương giữa Việt Nam và Hà Lan.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là điểm tựa lịch sử quan trọng để hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

Hà Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 9,5 tỷ USD, với những tập đoàn nổi tiếng như Heineken, Unilever, Shell... Năm 2018, kim ngạch song phương đạt trên 7,84 tỷ USD (chiếm khoảng 1,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, gần 14,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước EU). Cũng trong năm qua, đã có 77.300 lượt du khách Hà Lan tới thăm Việt Nam, đứng thứ 4 trong số du khách châu Âu.

Coi trọng chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte và các doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan tới Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đây là cơ hội quan trọng để đẩy mạnh hợp tác đầu tư và hưởng lợi từ mối quan hệ tốt đẹp của hai bên.

Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn 5 năm tới. Do đó, Chính phủ sẽ tập trung vào 5 định hướng lớn, trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, nhất là pháp luật về đầu tư, kinh doanh, thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ để trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thủ tướng Hà Lan: Tiếp tục bỏ rào cản để doanh nghiệp hai bên hợp tác ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới chuẩn mực thị trường của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD); cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng bày tỏ, khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực, sẽ tạo cơ hội thuận lợi mới cho các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các doanh nghiệp Hà Lan ủng hộ, thúc đẩy việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp định quan trọng này.

Việt Nam mong muốn và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư trong lĩnh vực có thế mạnh như điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, thủy lợi, công nghiệp thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, phong điện, cảng biển, đóng tàu, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục đào tạo, tăng trưởng xanh.

"Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi," Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Bày tỏ vui mừng khi được tới thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết: “Chúng tôi cảm nhận được sức sống của Việt Nam không phải chỉ qua các con số báo cáo mà ở mọi nơi của Việt Nam.”

Ông khẳng định “không phàn nàn về việc kinh doanh tại Việt Nam” và “ghen tỵ với sự tăng trưởng của các bạn;” cho rằng Chính phủ hai nước cần tiếp tục loại bỏ rào cản càng nhiều càng tốt để các doanh nghiệp hai bên hợp tác đầu tư.

Thủ tướng Mark Rutte đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao vị thế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia và các chỉ số đổi mới sáng tạo; tin tưởng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Ngoài việc coi trọng truyền thống thương mại, Thủ tướng Hà Lan cho rằng hai bên có nhiều điểm tương đồng như tiềm năng về kinh tế biển, có đồng bằng châu thổ và đang gặp khó khăn vì biến đổi khí hậu... Do đó, 70 doanh nghiệp Hà Lan sang Việt Nam lần này có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, ngành nước, điện gió… sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam.

Tại buổi Tọa đàm, Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp Hà Lan bày tỏ sẵn lòng hợp tác, đầu tư vì lợi ích của hai bên và phù hợp với các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã trực tiếp trả lời các kiến nghị cụ thể của các CEO về chủ trương hay các dự án đang đầu tư tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.