Thủ tướng: Hà Nội hạn chế xe máy đến 2030 là xu thế của thời đại

Làm việc với lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao một số ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước như hạn chế phương tiện xe máy đến năm 2030, bởi đây là xu thế của thời đại.
Thủ tướng: Hà Nội hạn chế xe máy đến 2030 là xu thế của thời đại ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội để tháo gỡ những vướng mắc, giúp Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn nữa về mọi mặt kinh tế-xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và lãnh đạo chủ chốt của thành phố dự và báo cáo tại buổi làm việc.

Dự kiến thu ngân sách 207,6 nghìn tỷ đồng

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, 9 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách Nhà nước đạt 146,4 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán, tăng 16,2% so cùng kỳ (dự kiến thu ngân sách cả năm 2017 đạt 207,6 nghìn tỷ đồng). Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 125 dự án ngoài ngân sách trong nước với tổng mức đầu tư khoảng 84 nghìn tỷ đồng; thu hút 398 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 2,16 tỷ USD; 22 dự án thu hút đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 60 nghìn tỷ đồng. Cùng thời gian này, thành phố có 18.685 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016), nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn lên 225,7 nghìn.

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2015; xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng hiện nay đã đạt 96%; tỷ lệ kê khai thuế qua mạng đạt 98%, thủ tục hải quan điện tử đạt 100%.

Hiện nay, thành phố đang triển khai giải phóng mặt bằng 1742 dự án với tổng diện tích 7.091ha. Tuy nhiên, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất nông nghiệp, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép đang là một trong những bất cập trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm; hiện tượng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng đang là một trong những bức xúc lớn của người dân.

Mặc dù công tác cải cách hành chính bước đầu có chuyển biến, nhưng một bộ phận cán bộ, công chức của thành phố chưa hết trách nhiệm, cán bộ ở cấp cơ sở có lúc, có nơi còn gây phiền hà cho người dân; đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc trong ứng xử của cán bộ, công chức với người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Phát triển mạnh đô thị vệ tinh

Góp ý với Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị thành phố cần có biện pháp giảm tỷ lệ dân số nội thành thông qua việc triển khai xây dựng các đô thị ngoại ô chất lượng cao; đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt nội đô để giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù đi đầu về phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên đây cũng chỉ là những kết quả ban đầu, thành phố cần tiếp tục thực hiện chủ trương này theo hướng gắn với các khu đô thị để “người giàu ở gần người nghèo” và tổ chức theo mô hình khu đô thị trung tâm.

Mong muốn Hà Nội vươn lên cạnh tranh xứng tầm đô thị kiểu mẫu trong thời kỳ hội nhập, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Hà Nội rất cần đến một cơ chế chính sách đặc thù. Để giải quyết tình trạng dân số gia tăng nhanh cả cơ học và tự nhiên dẫn đến quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, rác thải, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, sao cho đáp ứng chiến lược phát triển và đặc biệt là phải triển khai đúng quy hoạch.

Bày tỏ những ấn tượng về hiệu quả kiện toàn bộ máy, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tán thành với các đề xuất của thành phố và đề nghị Thủ tướng và Chính phủ cần cố gắng hỗ trợ tối đa cho Hà Nội về chính sách trong phạm vi thẩm quyền; cùng với đó là tiến hành tổng kết và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô. Phó Thủ tướng gợi ý thành phố quan tâm đến việc chỉnh trang, cải tạo các khu đô thị cũ như Kim Liên, Giảng Võ, Ngọc Khánh… đang rất xập xệ nhiều năm nay, đặc biệt phải sớm triển khai quy hoạch, xây dựng tuyến Nhật Tân-Nội Bài bởi đây là cửa ngõ quan trọng của Thủ đô.

Lãnh đạo các bộ, ngành và các Phó Thủ tướng bày tỏ tán thành và đề nghị Hà Nội sớm hoàn thiện đề án, khẩn trương triển khai dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh để mở ra những cơ hội hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô.

Đi đầu cả nước về chỉ số phát triển con người

Thủ tướng: Hà Nội hạn chế xe máy đến 2030 là xu thế của thời đại ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu kết luận buổi làm việc với tinh thần tránh tư tưởng “tiếp tục ràng buộc, tiếp tục xin cho” để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Hà Nội bứt phá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Hà Nội đã có những thành tựu quan trọng về mọi mặt, đóng góp to lớn vào thành tích chung của cả nước. Thủ tướng biểu dương Thủ đô đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, xã hội hóa tốt nguồn lực, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý.

Môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách hành chính của thành phố có chuyển biến tốt, Thủ tướng vui mừng vì trật tự văn minh đô thị có nhiều chuyển biến rõ nét, thành phố sạch hơn, ngăn nắp hơn với 83/120 hồ được cải tạo, nạo vét; đào mới 8 hồ phục vụ cảnh quan môi trường, sinh thái.


["Hà Nội đủ điều kiện dừng hoạt động xe máy vào nội đô từ năm 2030"]

Hà Nội rất quan tâm đến xây dựng nông thôn mới đi đôi với xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ nghèo chỉ còn 1,7%. Hà Nội còn là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người trong văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, nhất là chất lượng đào tạo hệ phổ thông. Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm biên chế, giảm đầu mối đạt được những thành công bước đầu, an ninh trật tự của thành phố cơ bản được bảo đảm.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao một số ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước như hạn chế phương tiện xe máy đến năm 2030, bởi đây là xu thế của thời đại.

“Anh tuổi Ngọ nhà hướng Đông, anh tuổi Thìn nhà hướng Tây”

Phân tích những thách thức mà thành phố đang phải đối mặt, Thủ tướng cho rằng, thách thức lớn nhất là quản lý một siêu đô thị. Đây là vấn đề lớn, phức tạp trong bối cảnh phải cạnh tranh với những thành phố lớn trong khu vực. Bên cạnh đó là thách thức từ việc chuyển đổi hiệu quả mô hình sản xuất, đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới, trọng dụng nhân tài, tác động từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Cùng với đó là những vấn đề như nguồn lực, nhất là nguồn lực cho phát triển hạ tầng trong bối cảnh trần nợ công đã hết; các vấn đề như dịch vụ công trong y tế, văn hóa, thể dục thể thao... để đáp ứng đòi hỏi của lượng dân số có trình độ dân trí cao.

"Hà Nội phải tạo động lực cho từng đơn vị, cán bộ làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân”; “Hà Nội nên đi trước cả nước để làm gương,” Thủ tướng yêu cầu.

Đề cập đến thách thức giữa kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đô thị của Hà Nội, Thủ tướng mong muốn thành phố giảm thiểu tình trạng lộn xộn trong trật tự xây dựng kiểu “anh tuổi Ngọ nhà hướng Đông, anh tuổi Thìn nhà hướng Tây”, nhất là những tuyến đường quan trọng trong thành phố.


Tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị thành phố xác định quan điểm phát triển theo hướng xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương. Chính vì vậy, các nguyên tắc cốt lõi đặt ra là thành phố vì hòa bình nên phải văn minh, văn hiến, có bản sắc và phải thượng tôn pháp luật.

Gợi ý một số chương trình hành động cho thành phố, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu Hà Nội phải hợp tác mạnh mẽ với các địa phương lân cận, tận dụng lợi thế, xóa bỏ sự manh mún, dàn trải của chính sách. Chọn lọc trong quy hoạch phát triển khoa học công nghệ để hình thành cộng đồng tương tác, chia sẻ hạ tầng dùng chung, tạo cảm hứng cho đội ngũ các nhà khoa học.

Cho rằng “đất đai Hà Nội quý đến từng gang tấc”, Thủ tướng đề nghị thành phố tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất gắn với tạo mặt bằng cho phát triển và phòng, chống tham nhũng.

Lưu ý đến nhiệm vụ tiếp tục tăng cường năng lực quản lý đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố, Thủ tướng nêu quan điểm: “Giá trị cốt lõi của Thủ đô Hà Nội hướng tới là đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, xây dựng con người văn minh, xã hội gắn kết rộng mở.” 

Thủ tướng đề nghị tiếp tục xây dựng những tiêu chí thành phố vì hòa bình nhất là cộng đồng xã hội, cộng đồng dân cư; thành phố năng động và hội nhập. Muốn vậy phải thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.

Một giá trị khác được Thủ tướng đề cập đến với Hà Nội là phải giữ vững vị trí thành phố văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam; bảo tồn, giữ gìn tốt di sản văn hóa, công trình cổ, khu phố cổ và những nét riêng của văn hóa Hà Nội.


Nguồn lực từ kinh tế tư nhân

“Thành phố kiến tạo và phát triển đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm mục đích phục vụ của thành phố”, Thủ tướng đặt chỉ tiêu cho các cấp chính quyền Thủ đô.

Trên cơ sở đó, đề cập đến những giải pháp đối với Thủ đô, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng cơ chế chính sách phân cấp cho Hà Nội theo tinh thần có một cơ chế vượt trội, đúng pháp luật.

Thủ tướng lưu ý chính quyền thành phố tiếp tục xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khối kinh tế tư nhân để huy động vốn cho các công trình hạ tầng, kể cả những công trình quy mô lớn như hệ thống Metro.

“Cực tăng trưởng của Hà Nội phải hướng vào Đại học Quốc gia Hà Nội và các khu vực Đại học, khu công nghệ cao và công trình văn hóa,” Thủ tướng định hướng và đề nghị thành phố kiên quyết di dời các cơ sở đại học, doanh nghiệp, bệnh viện ra khỏi nội đô để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông – một bức xúc lớn của người dân Thủ đô hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục